Có được 'công chứng thừa phát lại' cho nhà không có sổ đỏ?

(PLO) - Bạn Nguyễn Tùng Dương (Nam Sách, Hải Dương) hỏi: Tôi định mua đất xen kẽ trong khu dân cư để làm nhà ở nhưng chưa có “sổ đỏ” nên không thể đến phòng công chứng để làm hợp đồng chuyển nhượng được. Tôi nghe nói người ta có thể lập “công chứng thừa phát lại”. Xin được quý báo giải đáp giúp tôi có thể nhờ dịch vụ này hay không?
Có được 'công chứng thừa phát lại' cho nhà không có sổ đỏ?

Theo quy định của pháp luật hiện hành, việc mua bán, chuyển nhượng nhà đất phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và đăng ký trước bạ, sang tên cho bên mua (đăng ký biến động) tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp quận (huyện).

Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau mà trên thực tế, các bên trong giao dịch không thể lập thành văn bản có công chứng, chứng thực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà thực hiện việc mua bán, chuyển nhượng nhà đất bằng giấy tay. Chẳng hạn như: Nhà đất còn nợ thuế; nhà đất đang làm thủ tục tách thửa; nhà đất đang kê khai di sản; nhà đất chưa có giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng…

Việc mua bán, chuyển nhượng nhà đất bằng giấy tay tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các bên trong giao dịch (đặc biệt là bên mua). Nếu do nhu cầu và khả năng, bạn vẫn tiến hành giao dịch trên thì cần dự liệu và hạn chế tối đa các rủi ro có thể xảy ra.

Trong giao dịch này sẽ phát sinh nghĩa vụ giao nhận tiền và giao nhận giấy tờ. Do đó, các bên liên quan cần xác lập vi bằng về việc đã giao nhận tiền và giấy tờ, nhà đất để chứng minh khi cần thiết. Việc giao nhận tiền, giao nhận giấy tờ, nhà đất có sự ghi nhận của Thừa phát lại – Hay còn gọi là lập vi bằng giao nhận tiền, giao nhận giấy tờ, nhà đất là một trong những chứng cứ vững chắc để chứng minh việc thực hiện nghĩa vụ này.

Đây là chứng cứ ghi nhận việc Bên mua giao tiền cho Bên bán và Bên bán giao giấy tờ cho Bên mua.Quá trình giao nhận tiền, giao nhận giấy tờ được Thừa phát lại chụp ảnh đảm bảo tính chính xác, khách quan và trung thực.Vi bằng được đăng ký tại Sở Tư Pháp thành phố.

Cần lưu ý rằng giá trị của vi bằng giao nhận tiền, giao nhận giấy tờ, nhà đất không có giá trị thay thế văn bản công chứng, chứng thực – Tức là vi bằng không phải là cơ sở để sang tên đổi chủ cho bên mua. Vi bằng có giá trị chứng cứ trước Tòa và các quan hệ pháp lý khác, dùng để chứng minh việc các bên đã giao nhận tiền, giao nhận giấy tờ, nhà đất... làm cơ sở để các bên tiếp tục thực hiện hợp đồng, hoàn thiện hợp đồng theo quy định của pháp luật, hoặc là cơ sở để giải quyết khi có tranh chấp xảy ra.

Vì vậy, không có cái gì gọi là “vi bằng công chứng thừa phát lại”, mà chỉ có vi bằng giao nhận tiền, giao nhận giấy tờ, nhà đất để làm cơ sở cho các quan hệ pháp lý khác, hoặc làm cơ sở để giải quyết tranh chấp về sau.Cụm từ "công chứng Thừa phát lại" mà các cò đất dùng để dụ khách hàng của mình nói trên không phải là một thuật ngữ pháp lý.Đó là một cách dùng từ sai và tùy tiện của các cò đất nhằm mục đích thuyết phục khách hàng rằng đã có sự đảm bảo về mặt pháp lý của giao dịch bất động sản mà họ tham gia.

Ông Chu Xuân Hoà,

(Trưởng Văn phòng Thừa Phát lại Thủ đô)

Đọc thêm