Có được tự ý cắt khẩu mà không cần ý kiến chủ hộ?

(PLO) - 5 năm trước, tôi nhờ một người bạn cho chuyển khẩu cả gia đình về địa chỉ nhà anh ấy nhưng thực tế gia đình tôi thuê nhà trọ ở chỗ khác. Sau đó, do có mâu thuẫn nên tôi và người bạn này không làm ăn chung, cũng không liên lạc với nhau nữa. Đến nay vợ chồng tôi đã mua được nhà riêng và muốn làm thủ tục chuyển hộ khẩu của cả gia đình về nơi ở mới. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Khi đến nhà người bạn để xin chuyển hộ khẩu tôi mới biết anh ta đã bán nhà, chuyển hộ khẩu sang quận khác. Sau đó, tôi hẹn gặp rất nhiều lần để xin cắt khẩu nhưng anh này lấy lý do bận việc, khất lần, cố tình làm khó cho tôi. Xin hỏi trong trường hợp này tôi đơn phương xin cắt khẩu mà không cần sổ hộ khẩu cũng như xin ý kiến của chủ hộ có được không? (Anh Vũ Duy Tân, 35 tuổi ở Hà Nội)

Trả lời: 

Người đã nhập vào sổ hộ khẩu quy định tại khoản 3 Điều 25 và khoản 2 Điều 26 của Luật Cư trú 2006 mà được chủ hộ đồng ý cho tách sổ hộ khẩu bằng văn bản, khi tách sổ hộ khẩu, người đến làm thủ tục phải xuất trình sổ hộ khẩu; phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; ý kiến đồng ý bằng văn bản của chủ hộ nếu thuộc trường hợp người đã nhập vào sổ hộ khẩu quy định tại khoản 3 Điều 25 và khoản 2 Điều 26 của Luật Cư trú 2006 mà được chủ hộ đồng ý cho tách sổ hộ khẩu bằng văn bản.

Theo Điều 9 Thông tư 36/2014 của Bộ Công an hướng dẫn về Cách ghi phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu gồm 5 mục. Trong đó Mục 1 khai “Họ tên chủ hộ và “Quan hệ với chủ hộ” ; Mục 2 “Nội dung thay đổi nhân khẩu”;  Mục 3 “Ý kiến của chủ hộ”: Phải ghi rõ ý kiến của chủ hộ là đồng ý cho đăng ký thường trú, tạm trú hoặc cho tách sổ hộ khẩu, chủ hộ ký và ghi rõ ngày, tháng, năm; Mục 4 Xác nhận của công an (lưu ý trường hợp mất sổ hộ khẩu thì chủ hộ phải đứng ra khai và đề nghị cấp lại sổ hộ khẩu).  

Điều 14 Thông tư 36 năm 2014 của Bộ Công an cũng quy định: Nếu tách cả hộ thì cơ quan công an nơi cấp giấy chuyển hộ khẩu phải ghi rõ chuyển cả hộ đi để thông báo cho cơ quan nơi đăng ký thường trú chuyển đến. Trước khi cấp sổ hộ khẩu mới, cơ quan công an nơi đăng ký thường trú chuyển đến thu lại sổ hộ khẩu cũ để lưu lại tàng thư hồ sơ hộ khẩu

Như vậy, anh không thể chuyển hộ khẩu, tách khẩu nếu không có ý kiến của chủ hộ vì luật quy định bắt buộc phải có sự đồng ý của chủ hộ bằng văn bản. Cụ thể, khi anh khai những giấy tờ như Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu hay giấy chuyển khẩu thì cơ quan có thẩm quyền bắt buộc phải ghi thông tin về chủ hộ và mối quan hệ với chủ hộ.

Đồng thời trong mẫu Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu (mẫu HK02) có mục “Ý kiến của chủ hộ”. Do đó nếu chủ hộ không đồng ý xác nhận, giúp đỡ anh trong vấn đề này thì anh khó có thể thực hiện. 

Khi đã được sự đồng ý của chủ hộ và hoàn tất các giấy tờ, anh mới làm thủ tục tiếp theo là tách hộ khẩu. Hồ sơ bao gồm: Phiếu báo thay đổi hộ khẩu nhân khẩu (mẫu HK02); Sổ hộ khẩu; Văn bản thể hiện sự đồng ý của chủ hộ. Hồ sơ gửi Cơ quan Công an cấp huyện.

Thời hạn giải quyết: trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phải trả kết quả cho bạn; trường hợp không giải quyết việc tách sổ hộ khẩu thì phải trả lời bạn bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Đọc thêm