Có được ủy thác ngay với tài sản đảm bảo cho một nghĩa vụ cụ thể?

(PLVN) - Ủy thác THADS được quy định tại Điều 55, 56, 57 của Luật THADS và Điều 16 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng các quy định trên để thực hiện việc ủy thác, các cơ quan THADS gặp một số khó khăn, vướng mắc nhất định, đặc biệt là đối với các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng, án tín dụng ngân hàng.
Hình minh họa
Hình minh họa

Đặc điểm của các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng là có số tiền phải thi hành án lớn, số lượng tài sản kê biên để đảm bảo thi hành án nhiều và nằm rải rác ở nhiều địa phương trên cả nước. Nếu áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 57 Luật THADS thì cơ quan THADS phải xử lý xong các tài sản kê biên có tại địa bàn rồi mới được phép ủy thác đến cơ quan THADS nơi có tài sản kê biên khác để tiếp tục xử lý.

Trong khi đó, các tài sản kê biên có tại địa bàn chưa thể xử lý ngay được vì nhiều lý do khác nhau như: Hiện trạng pháp lý chưa rõ ràng, chưa xác định được ranh giới trên thực địa, có sự chênh lệch về diện tích đo đạc thực tế với diện tích trong quyết định kê biên hoặc giấy chứng nhận, bán đấu giá nhiều lần nhưng không có người mua, đương sự liên tục có khiếu nại, tố cáo nên quá trình tổ chức thi hành án bị đình trệ...

Do vậy, các tài sản kê biên tại địa phương khác phải chờ một khoảng thời gian dài để được xử lý, dễ dẫn đến tình trạng hư hỏng, xuống cấp, giảm giá trị, bị lấn chiếm, sử dụng trái phép, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên liên quan. Từ đó, gây khó khăn cho quá trình tổ chức thi hành án sau này, dễ nảy sinh khiếu nại, tố cáo của đương sự và làm chậm quá trình thu hồi tiền, tài sản thi hành án. 

Mặc dù khoản 3 Điều 16 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP đã cho phép cơ quan THADS được ủy thác việc xử lý các tài sản kê biên ở nơi khác với điều kiện tài sản đó được bảo đảm cho một nghĩa vụ cụ thể, tuy nhiên việc áp dụng quy định này còn có nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng Nghị định là văn bản hướng dẫn dưới luật, cho nên phải ưu tiên áp dụng quy định của Luật so với áp dụng quy định của Nghị định.

Theo đó, chỉ được áp dụng khoản 3 Điều 16 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP khi đã xử lý xong các tài sản kê biên có trên địa bàn theo quy định tại khoản 1 Điều 57 Luật THADS; nếu chưa xử lý xong các tài sản kê biên có trên địa bàn thì không được áp dụng quy định này.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng đối với trường hợp tài sản có ở nhiều nơi theo quy định tại Điều 55 Luật THADS, nếu tài sản đảm bảo cho một nghĩa vụ cụ thể thì cơ quan THADS có thể ủy thác ngay việc xử lý tài sản đó cho cơ quan THADS nơi có tài sản mà không cần chờ phải xử lý xong tài sản có trên địa bàn.

Chính vì có nhiều quan điểm khác nhau từ nhiều cơ quan khác nhau nên cơ quan THADS còn e ngại khi áp dụng, dẫn đến phải họp liên ngành tại địa phương để thống nhất hoặc có văn bản xin ý kiến của cơ quan cấp trên như Tổng cục THADS hoặc Bộ Tư pháp, làm kéo dài quá trình tổ chức thi hành án. Thậm chí có những vụ việc mà liên ngành địa phương và Trung ương không thống nhất được quan điểm, làm cơ quan THADS lại phải thi hành án lại từ đầu, gây mất thời gian và tốn kém kinh phí.

Hiện tại, trong một số vụ án kinh tế, tham nhũng điển hình có khó khăn, vướng mắc liên quan đến ủy thác THADS (ví dụ như vụ Phạm Công Danh giai đoạn 1, vụ Giang Kim Đạt) thì Bộ Tư pháp đã tích cực phối hợp thống nhất quan điểm với VKSNDTC, TANDTC và Ban Nội chính Trung ương để giải quyết theo hướng cho phép cơ quan THADS được ủy thác đến nơi có tài sản để xử lý mà không cần chờ kết quả xử lý tài sản có tại địa bàn.

Song, liên ngành Trung ương thống nhất đây chỉ là phương án áp dụng cho từng vụ việc cụ thể mà không áp dụng chung toàn quốc, do đó khi có khó khăn, vướng mắc của từng vụ việc cụ thể thì Bộ Tư pháp phải tổ chức họp, xin ý kiến các cơ quan có liên quan để giải quyết. Chính vì vậy nên quá trình tổ chức thi hành án các vụ việc khác có nội dung tương tự có thể sẽ kéo dài khi phải chờ ý kiến của liên ngành tại Trung ương mới được ủy thác để xử lý tài sản.

Vì vậy, cần thiết nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định của Luật THADS theo hướng cho phép cơ quan THADS được ủy thác việc xử lý các tài sản kê biên ở nơi khác với điều kiện tài sản đó được bảo đảm cho một nghĩa vụ cụ thể, khoản nghĩa vụ có thể tách bạch được. Hoặc có thể sửa đổi theo hướng việc xử lý tài sản có tại địa phương không ảnh hưởng đến việc xác định khoản được ủy thác thi hành để tiến hành ủy thác nhằm đảm bảo thi hành án nhanh chóng, hiệu quả nhưng không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người phải thi hành án. 

Đọc thêm