Có nên lấy vụ án Nguyễn Khắc Thủy 'dâm ô trẻ em' làm án lệ?

(PLO) - Ngày 17/9 vừa qua, TAND Tối cao tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện nhiệm vụ phát triển án lệ và lấy ý kiến đối với các bản án, quyết định đề xuất phát triển thành án lệ. Đáng chú ý là vụ án Dâm ô trẻ em ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khiến dư luận quan tâm và tranh luận gay gắt là một trong những vụ án được đưa vào dự thảo án lệ (án lệ số 08).
Bị cáo Nguyễn Khắc Thủy
Bị cáo Nguyễn Khắc Thủy

Vụ án xôn xao dư luận

Theo nội dung vụ án, tháng 5/2014, Nguyễn Khắc Thủy dùng tay xâm hại bộ phận sinh dục của một bé gái 11 tuổi sống cùng chung cư. Bạn của bé gái đến nhà chơi chứng kiến toàn bộ sự việc. Trước đó một tháng, Thủy sờ vào bộ phận nhạy cảm của bé gái 6 tuổi khi đang chơi đùa với anh trai ở khu vực cầu trượt trong khuôn viên chung cư.

Sau thời gian dài gia đình các nạn nhân khiếu nại, tố cáo, tháng 8/2016, Công an TP Vũng tàu mới khởi tố vụ án. Cuối năm ngoái, TAND TP Vũng Tàu xử sơ thẩm tuyên phạt Nguyễn Khắc Thủy 3 năm tù. Ở giai đoạn đầu vụ án, cơ quan điều tra đã khởi tố 5 hành vi, nhưng sau đó VKS chỉ truy tố 2 hành vi dâm ô đối với hai nạn nhân là trẻ em. Quá trình xử sơ thẩm, HĐXX tuyên mức án 3 năm tù đối với Nguyễn Khắc Thủy. Bị cáo kháng cáo kêu oan và toà phúc thẩm đã tuyên giảm án xuống còn 18 tháng tù treo.

Sau đó, Chánh án TAND Cấp cao tại TP HCM đã ra quyết định kháng nghị đối với bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại TP HCM xét xử giám đốc thẩm hủy bản án hình sư phúc thẩm của TAND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đối với Nguyễn Khắc Thủy để xét xử lại theo đúng quy định pháp luật.

Tại phiên tòa giám đốc thẩm, TAND Cấp cao tại TP HCM nhận định: Qua xem xét, đánh giá toàn bộ các chứng cứ đã thu thập nhận thấy có đủ căn cứ xác định Nguyễn Khắc Thủy đã thực hiện hành vi dâm ô đối với bị hại Trần Thị H và bị hại  Nguyễn Thị A (trước đó, HĐXX cho rằng không đủ căn cứ để xác định Nguyễn Khắc Thủy đã dâm ô đối với bị hại Trần Thị A - PV).  Từ đó, TAND Cấp cao tại TP HCM đã tuyên hủy bản án hình sự phúc thẩm của TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm của TAND thành phố Vũng Tàu. Phần được đề xuất phát triển thành án lệ là phần “xét thấy” của quyết định giám đốc thẩm nêu trên. Nội dung án lệ dự thảo như sau:

“Mặt khác, HĐXX phúc thẩm nhận định bị cáo bị bệnh cao huyết áp, Parkison nên có ảnh hưởng đến nhận thức, áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm n khoản 1 điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999: “Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi của mình”, là không có căn cứ pháp luật. Ngoài hai, hành vi phạm tội bị đưa ra xét xử trong vụ án này, bị cáo còn nhiều đơn tố cáo khác về cùng hành vi dâm ô trẻ em đã được Cơ quan điều tra tách ra để giải quyết nhưng HĐXX phúc thẩm áp dụng điểm b khoản 1 điều 2 Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP ngày 06/11/2013 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao về hướng dẫn áp dụng điều 60 của Bộ luật Hình sự về án treo:“Có nhân thân tốt được chứng minh là ngoài lần phạm tội này họ luôn tôn trọng các quy tắc xã hội…” là không thuyết phục”

“Hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã trực tiếp xâm hại đến quyền của trẻ em được pháp luật bảo vệ, cụ thể đã xâm phạm đến danh dự nhân phẩm và sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần đối với trẻ em là bị hại; gây bất an và bị lên án mạnh mẽ trong dư luận xã hội, cần phải được xử lý nghiêm minh để vừa có tác dụng trừng trị, giáo dục người phạm tội, đồng thời góp phần ngăn ngừa tội phạm xâm hại đối với trẻ em nói chung mà đặc biệt là tội phạm xâm hại  tình dục đối với trẻ em nói riêng. Bị cáo được áp dụng tình tiết giảm nhẹ “người phạm tội là người già” được quy định tại điểm m khoản 1 điều 46 Bộ luật Hình sự 1999. Tuy nhiên, đối với bị cáo sau khi phạm tội không tỏ ra ăn năn hối cải, Tòa án cấp sơ thẩm đã xử phạt bị cáo 03 năm tù về tội “Dâm ô đối với trẻ em” là thỏa đáng. Việc bắt bị cáo chấp hành hình phạt là cần thiết”.

Chuyên gia pháp lý nói gì?

Luật sư TS. Phan Trung Hoài (Phó Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam) đã có tham luận góp ý đối với dự thảo án lệ số 08 nói trên.

Theo Luật sư Hoài, đây là một vụ án phức tạp trong đánh giá chứng cứ, trong một thời gian dài, cơ quan tố tụng chậm phê duyệt quyết định khởi tố bị can, chỉ khi có ý kiến của Chủ tịch nước, của Viện trưởng VKSND Tối cao và của Ủy ban Tư pháp Quốc hội yêu cầu và chỉ đạo quyết liệt vụ án đã được tiến hành điều tra và đưa ra truy tố, xét xử kịp thời. Xét trên phương diện đó, quyết định giám đốc thẩm là có căn cứ pháp lý. Tuy nhiên, Luật sư Phan Trung Hoài nhận thấy dự thảo án lệ nói trên chưa thỏa mãn các quy định về tiêu chí lựa chọn án lệ. Căn cứ vào những điểm sau:

Thứ nhất, đây là vụ án thuộc loại truy xét, có khoảng thời gian cách xa từ khi sự việc xảy ra cho đến khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bản thân các bị hại khi bị xâm hại tuổi còn nhỏ nên lời khai, trình bày có mức độ hạn chế. Trong quá trình nghiên cứ hồ sơ, có một số lời khai chứng cứ còn có sự khác biệt, mâu thuẫn, dẫn đến giá trị chứng minh còn hạn chế. Những dẫn chứng và suy nghĩ trên cho thấy mặc dù đủ căn cứ kết tội bị cáo Thủy, nhưng rõ ràng vấn đề thu thập, kiểm tra, sử dụng và đánh giá chứng cứ trong vụ án này có những khó khăn, bất cập nhất định. Trong một chừng mực nhất định, giá trị chứng minh của chứng cứ theo quy định còn hạn chế.

Thứ hai, nội dung Quyết định giám đốc thẩm hủy bản án hình sự phúc thẩm của TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đối với Nguyễn Khắc Thủy phải ghi nhận một thực tế là Bản án sơ thẩm đã áp dụng thêm tình tiết “phạm tội nhiều lần” theo điểm a khoản 1 điều 116 là không chính xác vì đối với mỗi bị hại, bị cáo chỉ thực hiện một lần dâm ô. Tuy nhiên, quyết định giám đốc thẩm nhận định: “Việc loại bỏ tình tiết này không làm thay đổi bản chất vụ án, không ảnh hưởng đến tội danh và hình phạt đối với bị cáo nên cần được giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm để thi hành”. Điều này có nghĩa khi giữ nguyên hiệu lực của Bản án sơ thẩm thì chính bản án đó cũng không mang “tính chuẩn mực”, có khiếm khuyết trong áp dụng pháp luật.

Thứ ba, quyết định giám đốc thẩm đã áp dụng được yêu cầu phòng chống tội phạm loại này, cũng như đòi hỏi của dư luận xã hội. Tuy nhiên, quyết định này chưa phân tích và chỉ ra được việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ theo điểm n khoản 1 điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999: “Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi của mình” của bản án phúc thẩm là không đúng như thế.

Từ những phân tích nêu trên, Luật sư Phan Trung Hoài cho rằng không nên xây dựng Quyết định giám đốc thẩm trên trở thành án lệ. 

Đọc thêm