Cơ sở dữ liệu công chứng: Bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch

(PLO) - Theo quy định tại Điều 62 Luật Công chứng năm 2014 thì UBND cấp tỉnh có trách nhiệm xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng của địa phương. Từ mô hình ở một số địa phương đã triển khai cho thấy việc vận hành các cơ sở dữ liệu đã góp phần đắc lực bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia hợp đồng, giao dịch, phòng ngừa tranh chấp. 
Người dân không còn lo bị lừa khi có cơ sở dữ liệu công chứng
Người dân không còn lo bị lừa khi có cơ sở dữ liệu công chứng

Có thông tin, người dân không còn lo bị lừa

Thời gian qua, ở một số địa phương trên toàn quốc xảy ra một số vụ việc liên quan đến công chứng mà nguyên nhân do các thông tin công chứng không được quản lý tập trung, thống nhất để cung cấp kịp thời cho công chứng viên và các bên khi chứng nhận hợp đồng, giao dịch. Trong khi đó, một thực tế khác là thông tin về tài sản và quyền sở hữu hiện nay ở nước ta còn trong tình trạng thiếu minh bạch.

Thực tế này dẫn đến việc nhiều hợp đồng, giao dịch không đảm bảo an toàn pháp lý, gây tranh chấp, khiếu kiện. Các công chứng viên khi thực hiện các hợp đồng giao dịch cũng không tránh khỏi tâm lý e ngại khi không có cơ sở đầy đủ xác định tài sản mà mình chứng có hợp pháp không…

Với cơ sở dữ liệu công chứng, thay vì người dân phải tự tìm hiểu thông tin với tài sản mình cần giao dịch thì nay chỉ bằng việc nhấp chuột vào hệ thống cơ sở dữ liệu, công chứng viên sẽ giúp họ có thông tin chính xác. Với cơ sở dữ liệu công chứng này, người dân có thể hoàn toàn yên tâm khi thực hiện các giao dịch mà không lo bị lừa. Với những tiện ích như vậy, hiện nay việc xây dựng cơ sở dữ liệu đã được thực hiện ở nhiều địa phương.

Từ tháng 8/2013, tuyệt đại đa số các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn thành phố Hà Nội tham gia Chương trình quản lý thông tin ngăn chặn và thông tin về hợp đồng, giao dịch đã công chứng với hàng ngàn thông tin về tài sản. Thời điểm này chương trình cũng đã có dữ liệu của hầu hết quận, huyện, thị xã. Được biết, phần mềm ngăn chặn rủi ro của Hà Nội nói trên được cập nhật hàng ngày, có tác dụng công khai, minh bạch tình trạng pháp lý của tài sản, công chứng viên sẽ giúp người dân sàng lọc các giao dịch hợp pháp.

Còn tại TP Hồ Chí Minh, cơ sở dữ liệu công chứng đã được khai thác sử dụng từ năm 2010. Sau thời gian đã chứng minh sự ưu việt đáng kể khi góp phần ngăn ngặn các giao dịch bất hợp pháp. Hiện nay, thành phố đang xây dựng quy chế về khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu công chứng trên địa bàn.

Hiện nay, ngoài Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thì Hải Phòng, Hải Dương và nhiều địa phương khác đã xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng, bước đầu vận hành cho thấy mang lại nhiều tiện ích, phòng ngừa rủi ro cho người dân tham gia giao dịch. Nhờ cơ sở dữ liệu, các công chứng viên cũng có công cụ đắc lực phục vụ cho hoạt động nghiệp vụ của mình.

Xây dựng quy chế để đảm bảo khai thác hiệu quả

Tuy nhiên, hiện nay theo phản ánh của nhiều địa phương, khó khăn là nguồn cập nhật thông tin công chứng chỉ là thông tin nội bộ giữa các tổ chức hành nghề công chứng mà chưa có cơ chế tập hợp và liên thông các nguồn thông tin từ hệ thống cơ quan đăng ký quyền sử dụng đất, cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan quản lý lý lịch tư pháp, UBND huyện, xã và Văn phòng thừa phát lại. Tổ chức và hoạt động thông tin công chứng vẫn mang tính tạm thời.

Bên cạnh đó, cũng theo quy định tại Điều 62 Luật Công chứng thì UBND cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành quy chế khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu công chứng. Tuy nhiên, theo phản ánh thì nhiều địa phương vẫn chưa ban hành quy chế này nên khó khăn trong việc khai thác sử dụng vì việc xây dựng cơ sở dữ liệu cũng như quy chế còn liên quan đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị tại địa phương về kinh phí, kỹ thuật, công nghệ thông tin…

Tháo gỡ vấn đề này được biết, Bộ Tư pháp vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW đề nghị UBND xem xét chỉ đạo Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và Hội công chứng viên (ở những nơi đã lập hội) kịp thời tham mưu, đề xuất trình UBND xem xét xây dựng cơ sở dữ liệu và ban hành quy chế khai thác, sử dụng.

Về nội dung, Bộ Tư pháp lưu ý, việc xây dựng cơ sở dữ liệu phải đảm bảo an toàn, bảo mật, thuận tiện khi khai thác, sử dụng, khả năng kết nối cơ sở dữ liệu với hệ thống thông tin đất đai, nhà ở… Với Quy chế khai thác cần tập trung vào vấn đề trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quản lý, cung cấp, cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu với trách nhiệm trong khai thác, sử dụng.

Việc ban hành các quy chế nêu trên là một bước tích cực trong thực hiện Luật Công chứng ở các địa phương, đưa cơ sở dữ liệu vào vận hành thông suốt, góp phần bảo đảm an toàn cho người dân tham gia giao dịch.

Đọc thêm