Con bất hiếu, cha mẹ có thể đòi lại nhà đất đã cho?

(PLVN) - Sau khi được tặng cho quyền sử dụng nhà đất, nếu con cái vi phạm nghĩa vụ chăm sóc nuôi dưỡng thì cha mẹ có thể làm đơn khởi kiện yêu cầu đòi lại tài sản tại Tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền nơi có bất động sản đó.
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn

Ông Dương Đức Quang (Diễn Châu, Nghệ An) hỏi: Vợ chồng tôi năm nay đã hơn 80 tuổi, có 2 người con gái và 1 người con trai. Khi các con đến tuổi trưởng thành, chúng tôi đã bàn bạc, thống nhất và quyết định chia cho con trai út thửa đất 200m2 và căn nhà mà gia đình tôi đang ở trên đó. Vợ chồng tôi đã sang tên sổ đỏ cho con trai với mục đích trông cậy lúc tuổi già sức yếu.

Thế nhưng, sau khi chúng tôi cho nhà thì con trai tôi có những hành vi bất hiếu, không chăm sóc, thậm chí muốn đuổi chúng tôi ra khỏi chính căn nhà đó. Vậy giờ chúng tôi muốn đòi lại căn nhà đã cho con trai để chia cho con gái thì có được không? Nếu được thì tôi phải làm cách nào để đòi lại căn nhà đó? Tôi xin trân trọng cảm ơn!

Khi nào cha mẹ được đòi lại quyền sử dụng đất đã cho con?

Giải đáp về vấn đề trên, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám Đốc Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo thông tin ông Quang cung cấp thì giữa ông và con trai đã có sự thỏa thuận về việc chuyển quyền sử dụng đất. Cách thức chuyển đổi là chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc tặng cho quyền sử dụng đất, được quy định tại Điều 457 và 459 Bộ luật Dân sự 2015.

Khi hợp đồng chuyển nhượng hay tặng cho quyền sử dụng đất giữa các bên đã có hiệu lực, thì bên chuyển nhượng hay tặng cho không có quyền đòi lại quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, Luật sư Tuấn cho biết, vợ chồng ông vẫn có thể đòi lại quyền sử dụng đất trong hai trường hợp sau: 

Trường hợp 1: Hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất giữa ông và con trai có đầy đủ 2 yêu cầu sau: Hợp đồng giữa bố mẹ và con trai là hợp đồng tặng cho có điều kiện; Điều kiện trong hợp đồng là con trai phải có nghĩa vụ phụng dưỡng, chăm sóc với cha, mẹ… các điều kiện này không được trái pháp luật và trái đạo đức xã hội.

Như vậy, sẽ có thể áp dụng Điều 462 Bộ luật Dân sự 2015 về hợp đồng tặng cho có điều kiện để đòi lại quyền sử dụng đất từ con trai của ông. Cụ thể: “Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại”.

Bên cạnh đó, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định về nghĩa vụ chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ của con cái. Theo đó, tại khoản 2 Điều 70 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định con cái phải: “Có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình”.

Cùng với đó, Khoản 2 Điều 71 cũng quy định: “Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ”.

Căn cứ vào tình trạng mâu thuẫn trong gia đình, ông Quang có thể xem xét con trai của ông trên thực tế có vi phạm nghĩa vụ chăm sóc nuôi dưỡng cha mẹ hay không, trong trường hợp con trai có vi phạm thì ông có quyền đòi lại đất đã tặng cho con trai. 

Cha mẹ có thể khởi kiện yêu cầu đòi lại tài sản 

Trường hợp 2, Luật sư Tuấn cho biết, vợ chồng ông Quang cần chứng minh được hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất giữa vợ chồng ông và con trai là hợp đồng dân sự vô hiệu. Theo đó các bên sẽ hoàn trả cho nhau nhưng gì đã nhận.

Để một giao dịch dân sự có hiệu lực theo quy định của pháp luật thì giao dịch đó phải đáp ứng các điều kiện được quy định tại Điều 117 BLDS 2015 như sau:

1. Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập; 2. Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện; 3. Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; 4. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.

Giao dịch dân sự tuân thủ quy định pháp luật khi phát sinh tranh chấp sẽ được pháp luật bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tranh chấp. Theo đó, khi hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất giữa bố mẹ và con trai là hợp đồng vô hiệu, thì theo quy định tại Điều 131 Bộ luật Dân sự 2015. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập, các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

Căn cứ theo quy định trên, để đòi lại được nhà và đất đã tặng cho con trai, ông có thể làm đơn khởi kiện yêu cầu đòi lại tài sản tại TAND cấp có thẩm quyền nơi có bất động sản đó.

Trong trường hợp kiện đòi lại tài sản, ông cần chuẩn bị đầy đủ tài liệu để chứng minh hợp đồng tặng cho giữa vợ chồng ông với con trai là loại hợp đồng tặng cho có điều kiện hoặc là hợp đồng dân sự vô hiệu. 

Đối với hợp đồng tặng cho có điều kiện, phải chứng minh được việc con trai của ông đã vi phạm nghĩa vụ chăm sóc nuôi dưỡng cha mẹ. Còn đối với trường hợp hợp đồng không ghi rõ về nghĩa vụ của con trai ông, thì cần các bằng chứng khác chứng minh nghĩa vụ nuôi dưỡng cha mẹ là điều kiện của hợp đồng tặng cho. Trên cơ sở các tài liệu đã được đưa ra, Tòa án sẽ xem xét, đánh giá và ra quyết định theo quy định của pháp luật.

Sau khi đòi lại đất từ con trai, thì quyền sử dụng đất này thuộc quyền sở hữu của hai vợ chồng ông Quang, vậy nên vợ chồng ông có thể chuyển quyền sử dụng căn nhà này cho hai người con gái như mong muốn.

Đọc thêm