Con bị bệnh, có được bảo lãnh cho chồng về chăm con?

(PLO) - Chị Nguyễn Thu Thảo (Phú Quốc – Kiên Giang) hỏi: Do không kìm nén được mâu thuẫn lâu ngày với người hàng xóm, chồng tôi đã chém gây thương tích cho người này 23%  nên bị khởi tố và bắt tạm giam đã hơn 3 tháng. 

Từ khi sự việc xảy ra, mặc dù gia cảnh nghèo nhưng gia đình tôi đã cố gắng chạy vạy bồi thường cho người bị hại gần 20 triệu đồng; con tôi còn nhỏ hiện đang bị bệnh; nhân thân chồng tôi tốt, chưa từng vi phạm pháp luật.

Với điều kiện như vậy, tôi có thể bảo lãnh cho chồng tôi về nhà, chăm con, chờ ngày xét xử thì có được không?

Luật gia Bùi Đức Độ trả lời: Tạm giam có thể được áp dụng đối với bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; phạm tội rất nghiêm trọng; Bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, phạm tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tù trên hai năm và có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội.

Bảo lãnh là biện pháp ngăn chặn để thay thế biện pháp tạm giam. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và nhân thân của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ được bảo lĩnh.

Việc bảo lãnh cho chồng chị cần phải có hai người. Trong đơn cần trình bày rõ điều kiện, hoàn cảnh của mình; cam đoan không để bị can, bị cáo tiếp tục phạm tội và bảo đảm sự có mặt của bị can, bị cáo theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Toà án.

Cá nhân nhận bảo lãnh cho bị can, bị cáo phải là người có tư cách, phẩm chất tốt, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật. Đơn bảo lĩnh phải có xác nhận của chính quyền địa phương nơi vợ chồng chị cư trú. Căn cứ vào đơn, nhân thân, hoàn cảnh gia đình, cơ quan tiến hành tố tụng xem xét quyết định. 

Đọc thêm