Con ngăn cản cha mẹ bán tài sản, có vi phạm pháp luật?

(PLO) - Hiểu được tâm lý cha mẹ không muốn thưa kiện, con cái sử dụng nhiều chiêu như đánh tiếng chém chết người mua hay không ký giấy bán di sản thừa kế…, chờ khi cha mẹ qua đời hòng chiếm đoạt tài sản.  

Giữ tài sản, chờ cha mẹ qua đời

Vợ chồng ông H là người dân tộc Hoa ở huyện Gò Quao (Kiên Giang). 50 năm sống chung với nhau, ông bà có đến 5 người con 4 trai, 1 gái. Của cải cũng thuộc hàng dư giả, gần 6ha đất ruộng vườn và 2 căn nhà. Căn ở chợ Gò Quao ông bà làm nơi buôn bán, căn ở thành phố Rạch Giá dành để cho thuê. Khi các con trưởng thành, ai nấy đều có gia đình riêng thì cũng là lúc bà ra đi, để lại ông sự cô đơn, hụt hẫng xen lẫn nỗi niềm khó xử chuyện nội bộ gia đình.

Sau khi bà mất được một thời gian, ông H bày tỏ ý định bán căn nhà ở Rạch Giá là của chung ông bà, tiền bán được sẽ chia đều cho các con lấy vốn làm ăn. Được cha mở lời, 4 người con đồng ý ngay, nhưng riêng anh thứ hai lại kiên quyết phản đối. Lấy lí do chưa có nhà ở, anh đặt vấn đề mượn nhà, mượn luôn sổ đỏ để làm nơi kinh doanh buôn bán, nhưng trong gia đình không ai tán thành.

Không mượn được, anh quay qua đồng ý cho bán nhưng kèm theo điều kiện “phải được giá 10 tỷ tôi mới ký giấy tờ cho bán”, trong khi đó giá thị trường chỉ khoảng gần 3 tỷ đồng. Bán không xong, thỏa thuận phân chia di sản thừa kế không thành, ông H cũng không biết phải làm cách nào để thuyết phục con khi nó đã rắp tâm có ý định chiếm đoạt?

Không riêng gì ông H, bà B là người dân tộc Khmer cùng ở huyện Gò Quao cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Ông bà chỉ có 2 người con, ông đã mất từ rất lâu, bà ở vậy tần tảo nuôi con khôn lớn. Giờ đây, tuổi bà ngày càng cao, sức bà ngày càng yếu nên không còn làm gì được nữa. Vậy nên, bà muốn bán một phần đất thổ cư của mình để dưỡng già, nhưng người con út dứt khoát không chịu.

Tuy hàng ngày anh vẫn đối xử tốt với bà, nhưng hễ nghe bà nhắc đến chuyện bán đất thì anh lại đánh trống lảng, không tỏ ra đồng ý hay phản đối. Nghe bên ngoài thuật lại, anh nhiều lần từng tuyên bố “ai mua đất của mẹ tôi, tôi sẽ chém chết người đó”. Nói là làm, có lần anh gây gổ với người đến mua đất nên bà B đành phải “bó tay”, dần già chẳng có ai dám nhòm ngó tới mảnh đất của bà nữa. 

Tin tưởng vào công lý, đôi lần ông H và bà B có đến nhờ chính quyền can thiệp nhưng chính quyền đành chịu, nhờ đoàn thể thuyết phục nhưng cũng chẳng ăn thua. Không muốn thưa kiện con ra tòa, nhưng lại muốn bán được tài sản, ông H và bà B thật sự không biết phải làm thế nào để thuyết phục được con?  

Chưa có chế tài xử lý

Trường hợp của ông H, đúng là không thể bán căn nhà khi chưa có sự đồng ý của tất cả các con, bởi từ thời điểm vợ ông H mất đã phát sinh quyền thừa kế. Theo quy định của Bộ luật Dân sự, ông và 5 người con, mỗi người được hưởng một phần bằng nhau trong số 50% giá trị của căn nhà là di sản của bà, 50% còn lại là của ông. Do ông không muốn thưa kiện nên ông chỉ có thể tiếp tục cho thuê căn nhà, đồng thời tiến hành lập di chúc cho các con. Sau khi ông qua đời, nếu tranh chấp di sản thừa kế, các con của ông sẽ giải quyết.

Nghị định 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014 có quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi lấn, chiếm đất, gây cản trở cho việc sử dụng đất của người khác. Tuy nhiên, hành vi gây cản trở cho việc sử dụng đất của người khác được nhắc đến đó là “đưa chất thải, chất độc hại, vật liệu xây dựng hoặc các vật khác lên thửa đất của người khác hoặc thửa đất của mình gây cản trở cho việc sử dụng đất của người khác”, còn hành vi con của bà B ngăn cản mẹ thực hiện các quyền của người sử dụng đất, trong đó có quyền chuyển nhượng theo quy định của Luật Đất đai thì không được đề cập. Trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình, theo Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày12/11/2013 thì hành vi của con bà B chưa phải là hành vi chiếm đoạt tài sản riêng hay xúc phạm, ngược đãi thành viên trong gia đình... nên cũng không thể xử phạt được.  

Do ông H và bà B không muốn giải quyết sự việc bằng con đường thưa kiện nên chỉ còn giải pháp duy nhất là kiên trì thuyết phục hay đưa ra hòa giải. Nếu được các con đồng ý, ông H và bà B có quyền hủy bỏ di chúc để bán căn nhà, bán mảnh đất của mình. 

Nhân sự việc này, đề nghị các nhà lập pháp nên nghiên cứu sửa đổi Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai và Nghị định xử phạt trong lĩnh vực an ninh, trật tự, phòng chống bạo lực gia đình… nhằm bảo vệ quyền về tài sản nói chung, quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất nói riêng như trường hợp của bà B.  

Đọc thêm