Công an nổ súng khiến nam sinh ĐH Giao thông Vận tải tử vong phải chịu những trách nhiệm gì?

(PLVN) - "Nguyễn Xuân T. có thể phải chịu mức phạt từ từ 01 năm đến 05 năm, đồng thời người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm" - Luật sư Nguyễn Đức Hùng bình luận về tình huống nguyên Trung úy công an thử súng làm đạn lạc khiến nam sinh Đại học Giao thông Vận tải tử vong.
Hiện trường vụ việc
Hiện trường vụ việc

Ngày 3/11, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an, cho biết Công an TP Hà Nội đã báo cáo vụ việc một người vừa tử vong do "đạn lạc" đến Bộ Công an.

Theo ông Tô Ân Xô, báo cáo cho biết ngày 30/10, một người đàn ông đã đặt mua 1 khẩu súng tự chế trên mạng xã hội rồi mang ra quán nước khoe với bạn bè. Quá trình này, người đàn ông và nhóm bạn tưởng rằng súng đã hết đạn thì bất ngờ súng nổ, đạn bay về hướng bên đường đối diện quán nước.

Viên đạn bắn ra cách đó khoảng 25 - 30 m, trúng anh Đ.A. (SN 1999, quê Quảng Ninh, là sinh viên năm 4 trường Đại học Giao thông Vận tải) khiến nạn nhân trọng thương, gục tại chỗ.

Theo thông tin ban đầu, vụ việc xảy ra vào khoảng 22 giờ ngày 30/10, tại số nhà 26 ngõ 26, đường Võ Văn Dũng, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, TP Hà Nội.

Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an, cho biết bước đầu xác định nghi phạm nổ súng bắn trúng nam sinh là Nguyễn Xuân T. (SN 1991, hộ khẩu tại quận Đống Đa). Người này là trung uý, cán bộ Công an huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội. Công an Hà Nội đã ra quyết định tước quân tịch đối với Nguyễn Xuân T., sau đó chỉ đạo các đơn vị liên quan củng cố, thu thập chứng cứ để tiến hành các bước tố tụng tiếp theo.

* Trong trường hợp này, ngoài việc bị tước quân tịch thì Trung úy Nguyễn Xuân T. còn phải chịu những trách nhiệm gì, thưa Luật sư ?

Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng - Phó Giám đốc Công ty  Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội:  Mặc dù hai bên không có xích mích gì trước đó, tuy nhiên việc Nguyễn Xuân T. sử dụng súng gây chết người là hành vi rất nghiêm trọng. 

Trước hết, chúng ta cần phải giám định loại súng, mức độ gây sát thương của súng trong trường hợp này. Nếu khẩu súng T. dùng chỉ là khẩu súng săn thông thường, không có tính năng như vũ khí quân dụng, thì theo khoản 2 Điều 306 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ như sau: 

“1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự như súng săn, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

….

d) Làm chết người;”

Như vậy, Nguyễn Xuân T. có thể phải chịu mức phạt từ từ 01 năm đến 05 năm, đồng thời người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.

Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng - Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.
Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng - Phó Giám đốc Công ty  Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội. 

* Được biết cán bộ công an này có sở thích sưu tầm súng, vậy là cán bộ công an, việc anh T. tàng trữ, sử dụng súng hơi, súng săn có bị xử lý theo quy định của pháp luật không? Nếu không, thì mức phạt như thế nào, thưa Luật sư?

Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng: Tại Khoản 3, 5 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 quy định rõ khái niệm súng săn, vũ khí thể thao như sau: “3. Súng săn là súng được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, được sử dụng để săn bắn, bao gồm: súng kíp, súng hơi và đạn sử dụng cho các loại súng này.”

“Vũ khí thể thao là vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, được sử dụng để luyện tập, thi đấu thể thao, bao gồm:

a) Súng trường hơi, súng trường bắn đạn nổ, súng ngắn hơi, súng ngắn bắn đạn nổ, súng thể thao bắn đạn sơn, súng bắn đĩa bay và đạn sử dụng cho các loại súng này;

Việc tàng trữ, sử dụng vũ khí ở Việt Nam được quản lý rất nghiêm ngặt. Chúng ta cần phải xác định rõ việc Nguyễn Xuân T. tàng trữ súng săn, súng hơi có được nhà nước cho phép không. Cụ thể là T. có các loại giấy phép, giấy chứng nhận, giấy xác nhận về quản lý, sử dụng vũ khí hay không.

Trường hợp việc sử dụng, tàng trữ súng của T. không có sự cho phép của cơ quan nhà nước, có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Tùy theo loại vũ khí mà anh T. sử dụng thì mức xử phạt hành chính cao nhất trong trường hợp này là 20 triệu đồng. Đồng thời, anh T còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

* Người dân bình thường nếu sử dụng súng hơi, súng bắn chim (súng săn) có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? Vì sao ? 

Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng: Hiện nay, tình trạng người dân dùng súng hơi, súng bắn chim tràn lan ở khắp các địa phương trên cả nước. Tuy nhiên, họ lại không biết rằng việc sử dụng súng hơi đó là vi phạm pháp luật và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 5 Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, sửa đổi bổ sung năm 2019, quy định hành vi cá nhân sở hữu vũ khí; hành vi mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí là các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng vũ khí theo quy định của pháp luật. Theo đó, khi người dân sử dụng súng hơi, súng bắn chim là trái với quy định của pháp luật.

Tùy theo tính chất, mức độ của hành vi sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tài Điều 10 Nghị định 167/2013 nêu trên hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, người nào sử dụng súng săn, súng hơi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 306 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ: “1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự như súng săn, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.”

Theo đó, nếu người nào đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã bị kết án về tội này nhưng chưa được xóa án tích, nay tiếp tục sử dụng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 306 BLHS và phải chịu hình phạt từ 03 tháng đến 02 năm tù. Nếu hành vi sử dụng súng hơi đó của người dân gây ra hậu quả nghiêm trọng như: làm chết người, gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe của người khác từ 61% trở lên thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2, khoản 3 của BLHS và với mức hình phạt cao nhất là 07 năm tù.

Đọc thêm