Công chứng văn bản thỏa thuận phân chia tài sản chung sau khi ly hôn

(PLO) - Ba mẹ tôi đã được tòa án ra quyết định chấp nhận ly hôn. Ba mẹ tôi phân chia tài sản là căn nhà và làm hợp đồng tại văn phòng công chứng (VPCC). Tuy nhiên, nhân viên công chứng nói phải có sự chứng kiến của con cái mới lập hợp đồng
Công chứng văn bản thỏa thuận phân chia tài sản chung sau khi ly hôn

Vậy cho tôi hỏi:
1. Tại sao phân chia tài sản của bố mẹ lại cần con cái làm chứng?
2. Tôi và chị tôi ở xa, nếu ủy quyền cho chị tôi về quê làm chứng thì đơn ủy quyền của tôi cần có nội dung gì? Cơ quan nào có thể chứng nhận giấy ủy quyền này, UBND phường hay VPCC?

Trả lời có tính chất tham khảo:

Khoản 2 Điều 47 Luật Công chứng năm 2014 quy định: “Trường hợp người yêu cầu công chứng không đọc được, không nghe được, không ký, điểm chỉ được hoặc trong những trường hợp khác do pháp luật quy định thì việc công chứng phải có người làm chứng. Người làm chứng phải là người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và không có quyền, lợi ích hoặc nghĩa vụ liên quan đến việc công chứng. Người làm chứng do người yêu cầu công chứng mời, nếu người yêu cầu công chứng không mời được thì công chứng viên chỉ định”.

Như vậy, căn cứ theo quy định trên, trong trường hợp nếu ba mẹ bạn – người yêu cầu công chứng không đọc được, không nghe được, không ký, điểm chỉ được thì yêu cầu của VPCC về việc phải có người làm chứng là có căn cứ. Tuy nhiên, người làm chứng có thể là người do ba mẹ bạn – người yêu cầu công chứng mời, thỏa mãn điều kiện “là người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và không có quyền, lợi ích hoặc nghĩa vụ liên quan đến việc công chứng” mà không bắt buộc phải là bạn hoặc chị của bạn.

Theo các thông tin bạn cung cấp thì bạn và chị bạn đang ở xa. Để tiện lợi cho việc công chứng văn bản thỏa thuận phân chia tài sản của ba mẹ bạn thì ba mẹ bạn - người yêu cầu công chứng có thể mời người khác từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và không có quyền, lợi ích hoặc nghĩa vụ liên quan đến việc công chứng làm người làm chứng. Trong trường hợp ba mẹ bạn không mời được người làm chứng thì công chứng viên sẽ chỉ định người làm chứng. Như vậy bạn và chị bạn sẽ không cần băn khoăn về vấn đề văn bản ủy quyền.
 

Đọc thêm