Đảm bảo tính đồng bộ của pháp luật trong xử lý tài sản bảo đảm

(PLO) -Đặc điểm nổi bật của việc thi hành án dân sự (THADS) mà người được thi hành án là tổ chức tín dụng, ngân hàng là việc có tài sản để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án. Đây là điểm thuận lợi cho các cơ quan THADS khi không phải  tìm kiếm tài sản, xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án song cơ quan THADS cũng gặp không ít khó khăn khi xử lý loại tài sản này, nhiều trường hợp không thu đủ số tiền phải thi hành án. 
Hình minh họa
Hình minh họa

Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới các khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm là sự bất cập, chồng chéo, chưa rõ ràng của pháp luật trong lĩnh vực THADS và quy định pháp luật có liên quan.

Hiện nay vẫn chưa có quy định cụ thể trong việc xác định tư cách của bên thứ ba cầm cố, thế chấp tài sản để bảo lãnh cho nghĩa vụ của người phải thi hành án là người phải thi hành án hay là người có nghĩa vụ liên quan. Trong trường hợp xác định họ là người phải thi hành án thì quyền và nghĩa vụ của họ được thực hiện theo Điều 7a Luật THADS, còn nếu xác định họ là người có nghĩa vụ liên quan thì quyền và nghĩa vụ của họ được thực hiện theo Điều 7b Luật THADS. 

Như vậy, trong trường hợp xác định họ là người có nghĩa vụ liên quan thì họ đã bị hạn chế một số quyền như thỏa thuận với người được thi hành án về thời gian, địa điểm, phương thức, nội dung thi hành án, yêu cầu thay đổi chấp hành viên…

Do đó, việc không xác định rõ tư cách của bên thứ ba dùng tài sản của mình thế chấp cho tổ chức tín dụng, ngân hàng để bảo lãnh khoản vay cho người phải thi hành án đã làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ cũng như khó khăn cho việc tổ chức thi hành án.

Pháp luật THADS cũng chưa có quy định cụ thể về việc hoãn thi hành án hoặc tiếp tục xử lý tài sản bảo đảm có liên quan đến vụ án hình sự hoặc tranh chấp dân sự mà tài sản này không bị các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp ngăn chặn.

Thực tế có trường hợp bản án, quyết định của Tòa án đã tuyên về việc xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ nhưng khi cơ quan THADS tiến hành xử lý tài sản thì người phải thi hành án hoặc chủ sở hữu tài sản đã thông đồng với người khác để khởi kiện ra Tòa án yêu cầu giải quyết các tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm nhằm kéo dài việc thi hành án. Bên cạnh đó, quy định về ủy thác thi hành án hiện nay vẫn còn khá cứng nhắc, phần nào làm chậm quá trình xử lý tài sản. 

Hầu hết các quy định pháp luật hiện hành đều bảo vệ người mua trúng đấu giá, tuy nhiên mới chỉ nêu được nguyên tắc còn chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc bảo vệ quyền đó. Mặc dù tại Điều 103 Luật THADS đã bổ sung quy định về việc cưỡng chế giao tài sản cho người trúng đấu giá nhưng thực tế việc giao tài sản cho người mua trúng đấu giá trong trường hợp này vẫn chưa nhận được sự đồng thuận của các cơ quan hữu quan.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác THADS nói chung và THADS cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng nói riêng, cần tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó xây dựng và hoàn thiện thể chế được coi là giải pháp then chốt. Mặc dù Nghị quyết số 42/2017/QH14 chỉ áp dụng thí điểm trong thời gian 5 năm kể từ ngày 15/8/2017 nhưng để đảm bảo tính ổn định, thống nhất việc áp dụng pháp luật trong quá trình tổ chức thi hành án, Bộ Tư pháp cần sớm tham mưu trình Chính phủ và Quốc hội xem xét nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật THADS để hoàn thiện chính sách pháp luật về THADS, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn hiện nay.

Đồng thời kiến nghị các cơ quan liên quan sớm ban hành văn bản hướng dẫn liên quan đến thuế chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản bảo đảm theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 42/2017/QH14.

Cùng với đó, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần sớm sửa đổi, hoàn thiện các luật có liên quan trực tiếp đến THADS như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Giá, đẩy nhanh tiến độ xây dựng và ban hành Luật Đăng ký tài sản, Nghị định về giao dịch bảo đảm.

Tổng cục THADS cần tiếp tục rà soát các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành án, trên cơ sở đó tham mưu cho Lãnh đạo Bộ Tư pháp trao đổi, thống nhất với TANDTC, VKSNDTC và các cơ quan hữu quan để kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn giải quyết đảm bảo các bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án phải được tổ chức thi hành theo đúng quy định pháp luật.

Đọc thêm