Đánh ghen sẽ bị xử lý như thế nào theo pháp luật? ​

(PLO) - Em có một người chị, chị em mới phát hiện ra chồng mình ngoại tình , người phụ nữ ngoại tình với chồng chị em làm việc tại cơ quan nhà nước, biết rõ anh rể em đã có gia đình nhưng vẫn có quan hệ bất chính. 
Đánh ghen sẽ bị xử lý như thế nào theo pháp luật?  ​

Chị em đang muốn rủ em đi cùng chị ấy đến cơ quan 'tình địch' nói chuyện với lãnh đạo cơ quan để tất cả mọi người cùng biết.Sau đó, nếu tình hình không ổn, sẽ  sử dụng vũ lực để'dằn mặt' người đàn bà kia. Em không biết nếu chúng em làm như vậy có phạm tội gì không? Xin chân thành cảm ơn luật sư! (Bạn đọc Minh Anh - Hà Nội). 

Trả lời:

Trước hết, pháp luật Việt Nam bảo hộ toàn vẹn về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm cho mỗi cá nhân. Như vậy, bất kỳ hành vi nào xâm hại đến sức khỏe, tính mạng hay xúc phạm, danh dự nhân phẩm của người khác đều là trái pháp luật và có những cơ chế xử lý khác nhau. Hành vi đánh ghen được thực hiện với nhiều thủ đoạn, phương pháp khác nhau như: đánh đấm, hành hung, tạt a xít, xúc phạm danh dự,… đều được coi là hành vi xâm phạm đến sức khỏe và danh dự nhân phẩm của người khác.

Đối với những hành vi xâm phạm sức khỏe, danh dự nhâm phẩm của người khác thì thông thường sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì có khả năng bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

1. Xử phạt vi phạm hành chính

Nếu hành vi đánh ghen không nghiêm trọng, lần đầu, chưa xảy ra hậu quả nghiêm trọng thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Hành vi đánh ghen có khả năng bị xử lý theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 5 và điểm e, khoản 3, điều 5 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính Phủ, cụ thể như sau. “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhâm phẩm của người khác” hoặc “Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi xâm hại hoặc thuê người xâm hại đến sức khỏe của người khác”.

2. Truy cứu trách nhiệm hình sự

Đối với hành vi nghiêm trọng hơn hoặc hành vi đã gây ra hậu quả nặng nề về thương tích sức khỏe hoặc danh dự của người khác. Chẳng hạn hành vi sử dụng axit nguy hiểm, hành vi xúc phạm nghiêm trọng danh dự của người khác (quay video, phát tán lên mạng…) hoặc có những dấu hiệu về đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm, đã bị kết án chưa được xóa án tích mà còn vi phạm… thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng. Theo đó, người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội làm nhục người khác” theo điều 155 Bộ luật hình sự năm 2015 hoặc “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” theo điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015.

Theo đó, hình phạt tại khung cơ bản cho các tội này có thể là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm hay có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

Đọc thêm