Để được nhận hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng, người dân cần làm gì?

(PLVN) -Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, với hơn 62.000 tỷ đồng, khoảng 20 triệu đối tượng được thụ hưởng. 
Với hơn 62.000 tỷ đồng, khoảng 20 triệu đối tượng sẽ được thụ hưởng hỗ trợ (ảnh minh họa)
Với hơn 62.000 tỷ đồng, khoảng 20 triệu đối tượng sẽ được thụ hưởng hỗ trợ (ảnh minh họa)

Người lao động có hợp đồng bị tạm hoãn, nghỉ việc nhận hỗ trợ thế nào?

Tại Quyết định số 15, với người lao động (NLĐ) tạm hoãn hợp đồng lao động (HĐLĐ), hoặc nghỉ việc không hưởng lương được hỗ trợ khi có đủ 3 điều kiện: Thứ nhất, thời gian tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của HĐLĐ từ 01 tháng liên tục trở lên tính từ ngày 01/4/2020 đến hết ngày 30/6/2020 và thời điểm bắt đầu tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương từ ngày 01/4/ 2020 đến ngày 01/6/2020.

Thứ hai, NLĐ đang tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc tính đến thời điểm ngay trước khi tạm hoãn thực hiện HĐLĐ hoặc nghỉ việc không hưởng lương.

Thứ ba, làm việc tại các DN không có doanh thu hoặc không còn nguồn tài chính để trả lương (sau khi đã sử dụng các quỹ dự phòng tiền lương, nguồn lợi nhuận sau thuế và các nguồn tài chính hợp pháp khác của DN, số dư đến ngày 31/3/2020) do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Để NLĐ được nhận hỗ trợ, DN lập danh sách NLĐ tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ không hưởng lương bảo đảm các điều kiện trên, đề nghị tổ chức công đoàn cơ sở (nếu có) và cơ quan BHXH xác nhận danh sách này.

Trong 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được danh sách theo đề nghị của DN, cơ quan BHXH xác nhận việc tham gia BHXH của NLĐ và gửi DN. DN gửi hồ sơ đề nghị đến UBND cấp huyện nơi đặt trụ sở. Trong 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ, UBND cấp huyện thẩm định, trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Trong 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ; đồng thời chỉ đạo thực hiện chi trả hỗ trợ.

Hộ kinh doanh cá thể bị thiệt hại bởi Covid-19 nhận được hỗ trợ trực tiếp 1.000.000 đồng/hộ/tháng (ảnh minh họa)
Hộ kinh doanh cá thể bị thiệt hại bởi Covid-19 nhận được hỗ trợ trực tiếp 1.000.000 đồng/hộ/tháng (ảnh minh họa)

Hộ kinh doanh cá thể nào được nhận hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng?

Trong số các đối tượng thụ hưởng từ gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng, hộ kinh doanh cá thể bị thiệt hại bởi Covid-19 nhận được hỗ trợ trực tiếp 1.000.000 đồng/hộ/tháng khi đáp ứng được những điều kiện nhất định.

Thứ nhất, hộ kinh doanh có doanh thu do cơ quan thuế thực hiện quản lý thuế đối với hộ kinh doanh năm 2020 dưới 100 triệu đồng, được xác định tại thời điểm ngày 15/01/2020 theo quy định của pháp luật quản lý thuế.

Thứ hai, hộ kinh doanh phải tạm ngừng kinh doanh từ ngày 01/4/2020 theo Quyết định của Chủ tịch UBND cấp tỉnh triển khai thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg (ngày 27/3/2020) của Thủ tướng Chính phủ.

Hộ kinh doanh cá thể cần có hồ sơ đề nghị gửi UBND cấp xã để nhận hỗ trợ.

Trong 05 ngày, UBND cấp xã xác nhận về việc tạm ngừng kinh doanh của hộ kinh doanh, niêm yết công khai; tổng hợp, báo cáo gửi Chi cục Thuế.

Trong 02 ngày làm việc, Chi cục Thuế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định, trình UBND cấp huyện tổng hợp.

Trong 03 ngày, UBND cấp huyện rà soát, tổng hợp, trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Trong 02 ngày làm việc, Chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ; đồng thời chỉ đạo thực hiện hỗ trợ.

Trường hợp không hỗ trợ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Người lao động tự do hưởng trợ cấp như thế nào?
Để được nhận hỗ trợ, NLĐ cần có hồ sơ đề nghị gửi UBND cấp xã sau ngày 15 hằng tháng. Trường hợp NLĐ có nơi thường trú và tạm trú không trong phạm vi một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, nếu đề nghị hưởng hỗ trợ tại nơi thường trú thì phải có xác nhận của UBND cấp xã nơi tạm trú về việc không đề nghị hưởng các chính sách theo Quyết định này và ngược lại.
Trong 05 ngày làm việc, UBND cấp xã tổ chức rà soát và lập danh sách NLĐ đủ điều kiện hưởng hỗ trợ với sự tham gia giám sát của đại diện các tổ chức chính trị - xã hội và công khai với cộng đồng dân cư; niêm yết công khai danh sách NLĐ đề nghị hỗ trợ trong 02 ngày làm việc; tổng hợp danh sách NLĐ đủ điều kiện gửi UBND cấp huyện.
Trong 02 ngày làm việc, UBND cấp huyện thẩm định, trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt danh sách hỗ trợ và kinh phí hỗ trợ; đồng thời chỉ đạo thực hiện chi trả hỗ trợ trong 03 ngày làm việc.
Trường hợp không phê duyệt, Chủ tịch UBND cấp tỉnh trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Đọc thêm