Đề nghị bỏ điều kiện thành lập trường sư phạm do “vấn đề của thị trường”

(PLO) - Góp ý Phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các chuyên gia pháp luật của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, có những điều kiện cần xem xét bãi bỏ vì “đây là vấn đề của thị trường”…
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Điều kiện về tài chính của nhà đầu tư trong hoạt động giáo dục: không cần thiết

Điều 78 Dự thảo Phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về điều kiện thành lập trường trung cấp sư phạm, trường cao đẳng sư phạm công lập; cho phép thành lập trường trung cấp sư phạm, trường cao đẳng sư phạm tư thục. 

Theo đó, Điều này quy định về điều kiện: Một là, có văn bản chấp thuận về việc thành lập trường trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương của UBND cấp tỉnh nơi trường đặt trụ sở chính, trừ trường hợp trường trực thuộc UBND cấp tỉnh (khoản 2). Hai là, vốn đầu tư xây dựng trường được đầu tư bằng nguồn vốn hợp pháp, không bao gồm giá trị về đất đai và bảo đảm mức tối thiểu là 50 tỷ đồng đối với trường trung cấp sư phạm, 100 tỷ đồng đối với trường cao đẳng sư phạm. Vốn đầu tư xây dựng trường công lập phải được cơ quan chủ quản phê duyệt, trong đó xác định rõ nguồn vốn để thực hiện theo kế hoạch, vốn đầu tư được xác định bằng tiền mặt và tài sản đã chuẩn bị để đầu tư và có minh chứng hợp pháp (khoản 4).

Các chuyên gia pháp luật cho rằng, điều kiện thứ nhất trên cần phải được xem xét bãi bỏ, bởi điều kiện này được xem là một loại giấy phép con và Nghị định 46/2017/NĐ-CP về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục không quy định điều kiện, trình tự, thủ tục để có được loại giấy phép này. “Hơn nữa, xét về mặt mục tiêu, không rõ yêu cầu phải có loại giấy phép này nhằm mục đích gì? Trong khi về mặt thực tế, Nghị định 46/2017/NĐ-CP đã quy định khá nhiều điều kiện nhằm đảm bảo hoạt động của cơ sở giáo dục này?” – văn bản của VCCI gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ.

Trong khi đó, đối với điều kiện thứ 2, thì ngay tại chính dự thảo Phương án này, các điều kiện yêu cầu về năng lực tài chính của chủ đầu tư các cơ sở giáo dục đã được bãi bỏ vì lý do đây là vấn đề thuộc về tự thân của các nhà đầu tư. Điều này là hợp lý, thể hiện tư tưởng cải cách, tiến bộ của cơ quan chủ trì soạn thảo. Vậy, tại sao ở cấp học đại học, điều kiện về tài chính lại vẫn được giữ, không được bãi bỏ?

“Tương tự như các cấp học khác, điều kiện về tài chính của nhà đầu tư trong hoạt động giáo dục này là không cần thiết, nếu nhằm hướng đến đảm bảo hoạt động hiệu quả của cơ sở giáo dục. Đây là vấn đề của thị trường và bản thân nhà đầu tư sẽ phải tự chịu trách nhiệm để đảm bảo hoạt động. Do đó, đề nghị cân nhắc bỏ điều kiện này” – các chuyên gia kiến nghị.

Kiến nghị bãi bỏ nhiều điều kiện

Các chuyên gia pháp luật cũng đề nghị cân nhắc, xem xét  yêu cầu về điều kiện “Đề án thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình và nội dung giáo dục; đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị, địa điểm dự kiến xây dựng trường; tổ chức bộ máy, nguồn lực và tài chính; phương hướng chiến lược xây dựng và phát triển” (khoản 2 Điều 3 Nghị định 46/2017/NĐ-CP). Theo các chuyên gia, điều kiện này ở điều khoản trên và nhiều điều khoản khác cần được bỏ vì nó ít ý nghĩa và không rõ cơ quan nhà nước sẽ dựa vào tiêu chí nào để đánh giá Đề án này. Hơn nữa, ở phần điều kiện hoạt động đã đặt ra các điều kiện cần thiết để đảm bảo hoạt động giáo dục, các nội dung trong Đề án này cũng đã được cụ thể hóa ở các điều kiện hoạt động.

Đối với điều kiện về cơ sở vật chất, tại các điểm c, d khoản 2 Điều 5 Nghị định 46/2017/NĐ-CP quy định về các điều kiện cơ sở vật chất trường mầm non, mẫu giáo, nhà trẻ phải đáp ứng, gồm các yêu cầu về “khuôn viên”, “cơ cấu khối công trình”. Các điều kiện này dường như chưa phù hợp với các đô thị có dân số đông, mật độ xây dựng dày đặc và có khó khăn về đất đai. Vì vậy, để đảm bảo phù hợp với thực tế, cần bổ sung quy định cho trường hợp những nơi có khó khăn về đất đai.

Liên quan đến điều kiện thành lập nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập (Điều 10 Nghị định 46/2017/NĐ-CP, đối với những nơi mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non chưa đáp ứng đủ nhu cầu đưa trẻ em tới trường, lớp. VCCI đề nghị bỏ điều kiện “có bản thỏa thuận với phụ huynh về việc nhận nuôi dưỡng, chăm sóc và bảo đảm an toàn cho trẻ em tại nhóm trẻ” (điểm c khoản 6 Điều 10), vì đây là mối quan hệ tư giữa người chăm trẻ và phụ huynh, không có thỏa thuận này thì người chăm trẻ cũng phải đáp ứng các yêu cầu về chăm sóc, bảo đảm an toàn cho trẻ em, theo quy định tại Nghị định 46/2017/NĐ-CP, vì vậy có bản thỏa thuận này cũng ít ý nghĩa. Hơn nữa, theo quy định của pháp luật dân sự thì các thỏa thuận có thể được thể hiện bằng nhiều hình thức khác nhau, chứ không nhất thiết thể hiện bằng văn bản. Do đó, yêu cầu phải có bản thỏa thuận này là chưa phù hợp.

Đọc thêm