Đề xuất cảnh sát giao thông được sử dụng súng tiểu liên

(PLVN) - Đây là nội dung được nêu tại Dự thảo quy định quyền hạn, chức năng, hình thức, nội dung tuần tra của cảnh sát giao thông (CSGT) đang được Bộ Công an lấy ý kiến đóng góp.
Lực lượng Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ. Ảnh minh họa
Lực lượng Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ. Ảnh minh họa

Trong dự thảo, ngoài súng bắn đạn cao su, súng bắn đạn hơi cay, súng bắn đạn đánh dấu sơn, bình xịt hơi cay, dùi cui điện, áo giáp, khóa số 8... đang được áp dụng theo Thông tư 01/2016, Bộ Công an đề xuất CSGT được trang bị thêm súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên.

Đề xuất này được căn cứ trên đề nghị của Cục trưởng CSGT.

Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng (Cục trưởng CSGT) lý giải, theo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, công an nhân dân được sử dụng một số loại vũ khí, công cụ hỗ trợ. Tuy nhiên Thông tư 01/2016 lại chưa được nêu cụ thể CSGT được sử dụng loại vũ khí, công cụ hỗ trợ gì nên dự thảo này phải bổ sung.

Trả lời báo chí việc “đề xuất trang bị súng trường, súng tiểu liên có phù hợp với hoạt động của CSGT”, ông Dũng cho rằng đây chỉ là cụ thể hoá trong luật, không phải khi có quyền sử dụng, cảnh sát sẽ được trang bị ngay. “Nếu được thông qua, Bộ Công an còn phải căn cứ trên tình hình thực tế mà quyết định trang bị vũ khí gì cho phù hợp”, ông Dũng nói.

Đại diện Phòng CSGT Công an Hà Nội ủng hộ đề xuất của dự thảo với lý do trên thực tế, CSGT khi tuần tra kiểm soát chỉ được trang bị công cụ hỗ trợ mà chưa có vũ khí. Theo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, súng bắn đạn cao su CSGT đang sử dụng là thuộc nhóm “công cụ hỗ trợ”. Việc quy định như dự thảo sẽ tăng hiệu quả đảm bảo an ninh trật tự trong bối cảnh gia tăng tội phạm ma túy có sử dụng súng và các hành vi chống đối CSGT.

Thiếu tướng, Tiến sĩ Nguyễn Mai Bộ (Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội) cho rằng CSGT là một lực lượng trong công an nhân dân nói chung nên có quyền được sử dụng các loại vũ khí mà pháp luật không cấm, song cần sử dụng như thế nào cho hợp lý với điều kiện và thực tiễn của công việc. Việc trang bị vũ khí gì, công cụ hỗ trợ gì đã được nêu trong Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 và Bộ trưởng Công an có quyền quyết định. 

“Đôi khi việc có quyền sử dụng vũ khí cũng tạo thêm áp lực cho cảnh sát” bởi luật đã quy định rõ được nổ súng khi nào, nếu ai vi phạm sẽ bị xử lý rất nặng”, ông Bộ nói.

Đọc thêm