Đề xuất lập cơ quan quản lý chuyên biệt về bản kê khai tài sản cán bộ, công chức

(PLO) - Sáng 26/1, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã tiến hành Tọa đàm chuyên sâu về một số vấn đề lớn của Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tại tọa đàm, nhiều ý kiến đồng tình với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật sang khu vực ngoài nhà nước. Về cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn và xử lý đối với tài sản kê khai không trung thực, đa số ý kiến phát biểu đều cho rằng, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn là một trong những giải pháp quan trọng trong phòng, chống tham nhũng, giúp ngăn ngừa, phát hiện và xử lý tài sản tham nhũng.

Tuy nhiên, qua tổng kết thi hành 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, giải pháp kê khai tài sản, thu nhập được đánh giá là còn mang tính hình thức và hiệu quả phòng, chống tham nhũng thấp. Do đó, các đại biểu cho rằng cần phải có quyết tâm thực hiện các giải pháp đồng bộ để tăng cường minh bạch và kiểm soát tài sản thu nhập, cũng như có các chế tài phù hợp xử lý nghiêm khắc những hành vi kê khai tài sản, thu nhập không trung thực.

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, Dự thảo Luật cần quy định các cơ quan, tổ chức thuộc khối Đảng, Nhà nước thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt; yêu cầu kê khai tài sản cá nhân ngay từ khi tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm...

Còn Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Chí Công cho rằng cần phải có cơ quan quản lý chuyên biệt và cơ sở dữ liệu về bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức để tránh đi vào lối mòn trong quản lý kê khai tài sản, thu nhập cá nhân hiện nay.

Đọc thêm