Đề xuất mới về công ty đòi nợ thuê gây tranh cãi

(PLO) - Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính. Theo đó, dự thảo sửa đổi một số điều của Nghị định số 104/2007/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ đòi nợ như sau: Đối với điều kiện về vốn, dự thảo nêu rõ, “mức vốn điều lệ tối thiểu đối với ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ là 2.000.000.000 đồng”.
Hình minh họa
Hình minh họa

Điều kiện về tiêu chuẩn đối với người quản lý, giám đốc chi nhánh của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ: Có trình độ học vấn từ đại học trở lên thuộc một trong các ngành: kinh tế, quản lý, pháp luật, an ninh; chưa từng bị kết án; không giữ chức danh quản lý doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Điều kiện về tiêu chuẩn đối với người lao động trong hoạt động dịch vụ đòi nợ được đề xuất như sau: Người lao động được tuyển dụng theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động có xác định thời hạn từ sáu tháng trở lên; có trình độ học vấn từ trung cấp trở lên thuộc một trong các ngành: kinh tế, quản lý, pháp luật, an ninh.

Đồng thời không thuộc một trong các trường hợp: Đã bị khởi tố hình sự mà các cơ quan tố tụng của Việt Nam hoặc của nước ngoài đang tiến hành điều tra, truy tố, xét xử; đã từng bị kết án, đang trong thời gian được tạm hoãn chấp hành hình phạt tù; đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ; đang bị quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự theo quyết định của Tòa án; đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; có quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong thời gian chờ thi hành quyết định; đang nghiện ma túy; đang được tạm hoãn, tạm đình chỉ chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; đã bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính nhưng chưa đủ thời hạn để được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính…

Đề xuất này đang vấp phải ý kiến trái chiều. Trong một văn bản góp ý mới đây, Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị bỏ những quy định trên với lý do "chưa hợp lý, cản trở việc gia nhập thị trường của doanh nghiệp".

Về bản chất VCCI cho rằng, không nhận thấy bất kỳ đặc thù nào về trình độ chuyên môn của hoạt động kinh doanh này so với các ngành, nghề kinh doanh thông thường nào khác.

"Nếu mục tiêu của quy định về điều kiện nhân lực của hoạt động kinh doanh này là nhằm hướng tới đảm bảo hiệu quả hoạt động thì đây không phải là mục tiêu phù hợp khi quy định về điều kiện kinh doanh theo quy định tại Luật đầu tư 2014", VCCI góp ý.

Về quy định công ty đòi nợ phải có vốn tối thiểu 2 tỷ đồng, cơ quan đại diện doanh nghiệp nhận xét, mối quan hệ giữa chủ nợ và doanh nghiệp đòi nợ được xác lập trên cơ sở các thỏa thuận tư và nhiều rủi ro phát sinh sẽ được giải quyết tranh chấp trên cơ sở hợp đồng của hai bên.

Khoản tiền vốn pháp định mà doanh nghiệp phải đáp ứng sẽ không phải là yếu tố đảm bảo cho quyền lợi của chủ nợ. Chưa kể, khoản nợ có thể lớn hơn rất nhiều con số 2 tỷ đồng nên việc áp đặt điều kiện về vốn ban đầu của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ là chưa hợp lý, cản trở đáng kể việc gia nhập thị trường của doanh nghiệp.

"Nhà chức trách nên quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo an ninh, trật tự, thay vì quản điều kiện tài chính như dự thảo Nghị định nêu", VCCI đề nghị.

Từ năm 2016, Bộ Tài chính đã đưa ra nhiều đề xuất, bổ sung điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Trong những đề nghị lần sửa đổi Nghị định 104/2007 trước đây, cơ quan này từng đề nghị đội ngũ đòi nợ thuê phải mặc đồng phục như nhân viên văn phòng. Tuy nhiên sau nhiều góp ý, quy định này đã được bãi bỏ./.

Đọc thêm