Đề xuất người dân được ghi hình cảnh sát giao thông

(PLVN) - Bộ Công an đề xuất công dân được giám sát hoạt động của cảnh sát giao thông (CSGT) bằng máy ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp. Hình thức giám sát này được Bộ Công an bổ sung vào Dự thảo Thông tư lần 3 về quy chế dân chủ trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

So với Thông tư 54/2009 đang áp dụng và Dự thảo lần 2, lần này Bộ Công an đã chỉnh lý, bổ sung hai nội dung. Theo đó, người dân được phép giám sát hoạt động của CSGT thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp theo quy định của pháp luật và không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sỹ thực thi nhiệm vụ. Thủ trưởng cơ quan Công an có cán bộ, chiến sỹ được nhân dân góp ý, nhận xét phải có trách nhiệm xem xét, xử lý kịp thời theo đúng quy định của pháp luật.

Theo Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng (Cục trưởng CSGT, Bộ Công an) hiện trong văn bản dưới luật có hình thức giám sát trực tiếp là quan sát bằng cảm quan, tuy nhiên “rất trừu tượng và thiên lệch ý kiến chủ quan”. Do vậy việc bổ sung ghi âm, ghi hình là nhằm cụ thể hóa hơn quyền giám sát của người dân.

Người dân có quyền ghi âm, ghi hình theo quy định của pháp luật, tuy nhiên trong quá trình giám sát cũng tránh gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của CSGT. Ông Dũng ví dụ, khi CSGT phối hợp truy bắt tội phạm ma túy với các lực lượng khác thì người dân cũng cần biết để không cản trở đến hoạt động phòng chống tội phạm của công an và đảm bảo an toàn cho mình và cho lực lượng thực thi công vụ.

Ngoài việc được giám sát trực tiếp ghi âm, ghi hình hoạt động của CSGT, Bộ Công an cũng nêu rõ, công dân khi giám sát và thông tin, phản ánh lên các phương tiện truyền thông phải đảm bảo tính khách quan, trung thực và chịu trách nhiệm trước thông tin cung cấp.

Đồng tình với đề xuất của Bộ Công an, một số chuyên gia pháp lý cho rằng hiện không có quy định cấm quay phim, chụp ảnh cán bộ, chiến sĩ song luật có nêu rõ cấm phát tán bừa bãi. Nếu cố ý “quay phim, chụp ảnh” nhằm đưa thông tin phiến diện, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của cá nhân người bị đăng tải... sẽ xử phạt theo Luật An ninh mạng hoặc Bộ luật Hình sự.

Cuối tháng 6, Bộ Công an công bố dự thảo lần 2 và đã bỏ nội dung người dân được phép ghi âm, ghi hình, quan sát trực tiếp hoạt động của cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân. Bộ sau đó đã nhận nhiều phản hồi không đồng tình khi cho rằng làm như vậy “đã hạn chế quyền công dân” mà Luật, Hiến pháp đã quy định. Sau hai tháng lấy ý kiến rộng rãi, Bộ Công an đưa trở lại đề xuất trên trong dự thảo.

Đây là dự thảo lần cuối, nếu được thông qua Thông tư sẽ có hiệu lực vào cuối năm 2019.

Đọc thêm