Đề xuất Quy định quản lý dạy học trực tuyến

(PLVN) - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với Dự thảo Thông tư ban hành Quy định quản lý tổ chức dạy học trực tuyến đối với các cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo đó, dự thảo Thông tư quy định việc tổ chức dạy học trực tuyến đối với các cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên bao gồm: tổ chức và quản lý dạy học trực tuyến; hạ tầng kỹ thuật và học liệu dạy học trực tuyến; quyền, nhiệm vụ của giáo viên, nhân viên và học viên tại các trung tâm giáo dục thường xuyên, học sinh của các trường phổ thông (sau đây gọi chung là học sinh); tổ chức thực hiện.

Văn bản này áp dụng đối với cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên và các cơ sở giáo dục khác thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục phổ thông), các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Theo Dự thảo Thông tư, mục đích dạy học trực tuyến nhằm mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục cho học sinh. Đặc biệt là khi học sinh không thể đến trường tham gia học tập vì những lí do khách quan. Bổ trợ cho phương thức dạy học trên lớp học truyền thống (sau đây gọi tắt là dạy học trực tiếp) nhằm nâng cao hiệu quả công tác dạy và học, khuyến khích sự sáng tạo phát triển kỹ năng số của giáo viên và học sinh.

Tạo cơ hội cho giáo viên và học sinh được quyền chủ động tiếp cận nguồn học liệu hữu ích trên Internet phục vụ cho việc giảng dạy và học tập của mình. Nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy và học cho giáo viên và học sinh, góp phần đổi mới phương pháp dạy và học, kiểm tra đánh giá và nâng cao chất lượng giáo dục. Góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Giáo dục và Đào tạo.

Về hình thức tổ chức dạy học trực tuyến, dự thảo thông tư quy định 3 hình thức. (1) Dạy học trực tuyến hỗ trợ dạy học trực tiếp: Giáo viên có thể cung cấp tài liệu, học liệu, giao nhiệm vụ và giám sát, hướng dẫn học sinh tự học, chuẩn bị cho các hoạt động dạy học trực tiếp.

(2) Dạy học trực tuyến thay thế một phần quá trình dạy học trực tiếp: Giáo viên giao cho học sinh một số nội dung tự học ở nhà để tăng thời gian luyện tập, thực hành, trải nghiệm làm việc nhóm, thảo luận khi học sinh ở trường.

(3) Dạy học trực tuyến thay thế hoàn toàn quá trình dạy học trực tiếp: các hoạt động của tiến trình dạy học được tổ chức thực hiện hoàn toàn thông qua môi trường Internet. Hình thức này chỉ áp dụng khi học sinh không thể đến trường.

Thủ trưởng cơ sở giáo dục phổ thông có trách nhiệm tổ chức các hoạt động  như: đánh giá hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông, năng lực dạy học trực tuyến của giáo viên. Xây dựng kế hoạch dạy học trực tuyến phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học của cơ sở giáo dục phổ thông.

Phân công trách nhiệm cụ thể cho Ban giám hiệu, giáo viên, nhân viên hỗ trợ kĩ thuật, học sinh và phối hợp với phụ huynh học sinh trong tổ chức dạy học trực tuyến. Xây dựng, lựa chọn và thẩm định học liệu.

Thông báo quy trình dạy học trực tuyến, kế hoạch tổ chức kiểm tra đánh giá cho học sinh và gia đình học sinh. Tổ chức dạy học trực tuyến theo kế hoạch. Thu nhận sản phẩm học tập, đánh giá và phản hồi kết quả học tập cho học sinh.

Về đánh giá và xét, công nhận kết quả học tập trực tuyến thì sẽ đánh giá định kỳ kết quả học tập của học sinh được thực hiện tại cơ sở giáo dục phổ thông theo quy định. Và đánh giá thường xuyên kết quả học tập của học sinh được thực hiện trong quá trình dạy học trực tiếp hoặc trực tuyến. Việc xét và công nhận kết quả học tập trực tuyến của học sinh được thực hiện như hình thức học tập trực tiếp.

Về hạ tầng kỹ thuật để dạy học trực tuyến, các trường phải có phòng làm việc đủ diện tích và được lắp đặt các thiết bị phục vụ hoạt động dạy học trực tuyến của các giáo viên. Có hệ thống phần mềm tổ chức quản lý và dạy học trực tuyến.

Cụ thể: Phần mềm tổ chức dạy học trực tuyến đồng thời, tối thiểu đáp ứng các yêu cầu có các chức năng giúp tổ chức triển khai các hoạt động dạy học trực tuyến đồng thời tới tất cả học sinh thông qua các kênh hình, kênh tiếng, chia sẻ màn hình máy tính, diễn đàn thảo luận, giáo viên có thể tổ chức dạy học, giao bài tập và nhận bài làm từ học sinh. 

Ngoài ra, hạ tầng về công nghệ cũng phải đảm bảo hạ tầng công nghệ thông tin, an toàn an ninh mạng, đường truyền Internet và trang thiết bị sử dụng dạy học trực tuyến. Còn tài liệu dạy học trực tuyến được xây dựng theo chương trình giáo dục phổ thông; đảm bảo tính khoa học, sư phạm, văn hóa, phong tục tập quán, phù hợp với đối tượng học sinh theo từng cấp học; được hiệu trưởng phê duyệt trước khi đưa vào sử dụng.

Đọc thêm