Đề xuất thêm nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát cơ động

(PLVN) - Dự thảo Luật Cảnh sát cơ động đang được Bộ Công an tổ chức lấy ý kiến góp ý của nhân dân. Theo Bộ Công an, Dự thảo sẽ bổ sung thêm nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát cơ động để bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bộ Công an cho biết, Dự thảo Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ) gồm 5 chương, 30 điều và có một số quy định mới so với Pháp lệnh CSCĐ trên cơ sở 4 chính sách đã xác định và đánh giá tác động được Chính phủ, Quốc hội nhất trí thông qua. 

Quy định rõ hơn việc sử dụng vũ khí

Cụ thể, theo Dự thảo Luật, CSCĐ được sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định tại Điều 14 của Luật này; được mang vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không và lên tàu bay, tàu thủy trong trường hợp tác chiến theo chức năng, nhiệm vụ của CSCĐ; ngăn chặn, vô hiệu hóa các phương tiện bay không người lái và các phương tiện khác tấn công hoặc đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người thi hành công vụ hoặc người khác và các mục tiêu bảo vệ.

Bên cạnh đó, CSCĐ có thể xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Huy động người, phương tiện, thiết bị của cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam trong trường hợp cấp bách theo quy định của pháp luật có liên quan và Điều 15 của Luật này. CSCĐ cũng có thể yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp sơ đồ, thiết kế công trình và được vào nơi ở của cá nhân, trụ sở cơ quan, tổ chức để giải cứu con tin, trấn áp hành vi khủng bố và tội phạm. Việc vào trụ sở cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế và chỗ ở các thành viên các cơ quan này tại Việt Nam phải tuân theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Đối với việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ (Điều 14), Dự thảo Luật cũng quy định rõ từng trường hợp cụ thể. Theo đó, khi thi hành nhiệm vụ độc lập, cán bộ, chiến sĩ CSCĐ được sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và được nổ súng quân dụng theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Khi thi hành nhiệm vụ có tổ chức, việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ của CSCĐ phải tuân theo mệnh lệnh của người chỉ huy trực tiếp theo phương án tác chiến. 

Người ra mệnh lệnh phải tuân thủ quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, quy định khác của pháp luật có liên quan và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ khi ra quân thực hiện nhiệm vụ của CSCĐ thực hiện theo phương án tác chiến. Việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong huấn luyện, diễn tập thực hiện theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Huy động người, phương tiện trong trường hợp cấp bách

Đối với việc huy động người, phương tiện, thiết bị (Điều 15), theo Dự thảo Luật, trong trường hợp cấp bách để ngăn chặn, xử lý hoạt động phá rối an ninh, bạo loạn, khủng bố, bắt cóc con tin; trấn áp tội phạm có sử dụng vũ khí; giải tán các vụ tập trung đông người phá rối an ninh, trật tự, biểu tình trái pháp luật; đuổi bắt người và phương tiện vi phạm pháp luật, cấp cứu người bị nạn; ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai, dịch bệnh nghiêm trọng, CSCĐ được huy động người, phương tiện, thiết bị của cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam, trừ trường hợp phương tiện, thiết bị thuộc cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế và người được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Việc huy động phải phù hợp với khả năng thực tế của người, phương tiện, thiết bị được huy động và phải hoàn trả ngay sau khi trường hợp cấp bách kết thúc. Trường hợp người, phương tiện, thiết bị được huy động làm nhiệm vụ mà bị thiệt hại thì được hưởng chế độ, chính sách, đền bù theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Luật này; đơn vị có cán bộ, chiến sĩ huy động có trách nhiệm giải quyết việc đền bù theo quy định của pháp luật.

Đáng lưu ý, Dự luật nêu rõ, việc quyết định huy động người, phương tiện, thiết bị phải bằng văn bản; trường hợp do yêu cầu cấp bách thì người thực hiện nhiệm vụ có thể quyết định bằng lời nói trực tiếp, nhưng ngay sau đó phải ra quyết định hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền bằng văn bản. Người ra quyết định phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình. 

Về cơ cấu tổ chức, theo Dự thảo Luật CSCĐ bao gồm 5 lực lượng: Lực lượng tác chiến đặc biệt; lực lượng đặc nhiệm; lực lượng bảo vệ mục tiêu; lực lượng không cảnh, thủy cảnh; lực lượng sử dụng động vật nghiệp vụ. Còn tổ chức của CSCĐ bao gồm: Bộ Tư lệnh CSCĐ; CSCĐ Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; CSCĐ dự bị thuộc các đơn vị Công an nhân dân; các trung tâm huấn luyện, đào tạo.

Đọc thêm