Đến năm 2030: Người thực hiện trợ giúp pháp lý chủ yếu là luật sư

(PLO) - Dự thảo Đề án Đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015 - 2025, định hướng đến năm 2030 đang đưa ra nhiều giải pháp đột phá, trong đó có giải pháp tổ chức lại hệ thống, tinh gọn các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích đội ngũ luật sư tham gia trợ giúp pháp lý, định hướng đến năm 2030 người thực hiện trợ giúp pháp lý chủ yếu là luật sư. 
Đến năm 2030, người thực hiện trợ giúp pháp lý chủ yếu là luật sư
Đến năm 2030, người thực hiện trợ giúp pháp lý chủ yếu là luật sư
Sẽ tổ chức hệ thống theo ngành dọc 
Hệ thống tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý (TGPL) nhà nước hiện nay đang áp dụng mô hình chung trong toàn quốc trực thuộc UBND cấp tỉnh. Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, việc tổ chức hệ thống TGPL nhà nước như hiện nay là chưa phù hợp, chưa tính đến đặc thù vùng, miền nên một số nơi Trung tâm hoạt động kém hiệu quả. 
Hơn nữa, việc trực thuộc UBND cấp tỉnh khiến tổ chức thực hiện TGPL bị phụ thuộc về kinh phí, biên chế nên chưa tạo được sự độc lập với chính quyền địa phương trong hoạt động nghiệp vụ TGPL. Đặc biệt, nguồn nhân lực của Trung tâm không ổn định, đội ngũ trợ giúp viên pháp lý có nhiều kinh nghiệm thường bị điều chuyển sang thực hiện các công việc hành chính khác. 
Theo Dự thảo Đề án đổi mới, trong giai đoạn từ năm 2015 đến khi Luật TGPL sửa đổi có hiệu lực (dự kiến năm 2017), hệ thống tổ chức thực hiện TGPL sẽ được tinh gọn cho phù hợp với đặc thù từng vùng, miền theo điều kiện kinh tế - xã hội, nhu cầu TGPL, nguồn nhân lực cung cấp dịch vụ TGPL của từng địa phương và khả năng huy động các cá nhân, tổ chức xã hội tham gia TGPL. 
Từ khi Luật TGPL sửa đổi có hiệu lực đến năm 2025, Dự thảo Đề án đề xuất tổ chức Hệ thống TGPL theo ngành dọc. Đây là giai đoạn chuyển tiếp từ mô hình Nhà nước trực tiếp cung cấp dịch vụ TGPL sang mô hình Nhà nước tập trung quản lý, điều phối, phân bổ nguồn lực và kiểm soát chất lượng TGPL. 
Với mô hình này, ở Trung ương: Cơ quan quản lý TGPL ở Trung ương tiếp tục được kiện toàn về mặt tổ chức và chức năng, nhiệm vụ để đáp ứng yêu cầu điều phối nguồn lực và thực hiện quản lý TGPL theo ngành dọc.  Ở địa phương: Đối với các tỉnh miền núi, có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đội ngũ luật sư hành nghề trên địa bàn còn hạn chế thì củng cố tổ chức thực hiện TGPL của Nhà nước, Nhà nước giữ vai trò nòng cốt trong hoạt động TGPL và người thực hiện TGPL chủ yếu là trợ giúp viên pháp lý. 
Đối với các tỉnh, thành phố còn lại tổ chức thực hiện TGPL của Nhà nước cần tinh gọn và có lộ trình chuyển sang mô hình quản lý TGPL để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ như: Kiểm tra thụ lý vụ việc TGPL; lựa chọn, cử luật sư thực hiện vụ việc TGPL; thẩm định chất lượng vụ việc TGPL, đề xuất kinh phí, điều phối chi trả kịp thời vụ việc; ký hợp đồng với luật sư thực hiện vụ việc TGPL…
Đến năm 2030, Dự thảo Đề án đặt mục tiêu hiện đại hóa mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của các tổ chức thực hiện TGPL theo hướng xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động TGPL. Nhà nước chỉ tập trung quản lý, điều phối nguồn nhân lực và tài chính trong toàn quốc bảo đảm hoạt động TGPL của Nhà nước hiệu quả, bền vững, còn người thực hiện TGPL chủ yếu là luật sư. Nhà nước sẽ ký hợp đồng với các tổ chức cung cấp dịch vụ TGPL và cá nhân, giám sát, kiểm soát chất lượng hoạt động TGPL của tổ chức, cá nhân.
Không chuyên nghiệp sẽ bị loại bỏ
Một điểm cũng đáng lưu ý tại Dự thảo Đề án Đổi mới công tác TGPL là việc rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các Chi nhánh, Câu lạc bộ TGPL và không cho phép thành lập các chi nhánh TGPL mới. 
Theo đó, trong giai đoạn 2015 - 2017, không những không cho phép thành lập mới các chi nhánh, Nhà nước cũng sẽ tiến hành rà soát và chấm dứt hoạt động đối với các Chi nhánh thành lập không đúng quy định, không căn cứ vào nhu cầu TGPL, không có trợ giúp viên pháp lý hoặc hoạt động không hiệu quả; giải thể các Câu lạc bộ TGPL hoạt động không hiệu quả, Câu lạc bộ TGPL hoạt động hiệu quả thì thực hiện lồng ghép với các Câu lạc bộ khác ở địa phương. 
Trong giai đoạn này, Nhà nước sẽ đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động TGPL theo hướng lựa chọn các luật sư có kinh nghiệm, đạo đức và bản lĩnh nghề nghiệp; lựa chọn các tổ chức hành nghề luật sư có uy tín đăng ký tham gia thực hiện TGPL của Nhà nước. Nhà nước sẽ chi trả tiền bồi dưỡng theo vụ việc cho tất cả luật sư thực hiện TGPL theo yêu cầu của Nhà nước trừ luật sư thực hiện TGPL theo nghĩa vụ được quy định trong Luật Luật sư. Bộ Tư pháp sẽ thực hiện việc hỗ trợ, điều phối các vụ việc TGPL trong lĩnh vực tố tụng.
Từ khi Luật TGPL sửa đổi có hiệu lực đến năm 2025, người thực hiện TGPL là trợ giúp viên pháp lý và luật sư. Nhà nước sẽ ký hợp đồng thường xuyên hoặc hợp đồng vụ việc với luật sư và chuyển dần sang người thực hiện TGPL chủ yếu là luật sư ở giai đoạn sau 2025. 
Về kinh phí, hàng năm Nhà nước có nguồn kinh phí riêng cho hoạt động TGPL ở Trung ương để thực hiện toàn bộ hoạt động TGPL trong toàn quốc. Nhà nước tập trung quản lý, điều phối nguồn nhân lực và tài chính, bảo đảm cho hoạt động TGPL của Nhà nước hiệu quả, bền vững. 
Định hướng phát triển đến năm 2030, Nhà nước sẽ tập trung quản lý, điều phối nguồn nhân lực và tài chính trong toàn quốc bảo đảm hoạt động TGPL của Nhà nước hiệu quả, bền vững. Giai đoạn này, người thực hiện TGPL chủ yếu là luật sư. Nhà nước sẽ ký hợp đồng với các tổ chức cung cấp dịch vụ TGPL và cá nhân, giám sát, kiểm soát chất lượng hoạt động TGPL của tổ chức, cá nhân.

Đọc thêm