Di chúc tài sản cho con - cái khó của cha mẹ

(PLO) - Khi đã về già, cha mẹ nào chẳng nghĩ đến chuyện phân chia tài sản cho con. Người thì lập di chúc để lại di sản thừa kế cho con, người thì chuyển giao tài sản cho con ngay từ lúc con có gia đình ra ở riêng. Vậy, lựa chọn nào là sáng suốt, thuận cho cả cha mẹ và các con?
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hiểu biết thấp, rủi ro cao

Ông bà Tư Hiếu (huyện An Minh - Kiên Giang) có 4 người con, ba gái, một trai. Các con gái của ông bà giờ đây đều đã khôn lớn, lập gia đình và ra ở riêng, duy chỉ có Út Nam là ở chung với cha mẹ. Nam vốn được cưng chiều từ nhỏ nên chẳng màng đến việc đồng áng, suốt ngày lêu lổng ăn chơi, đá gà, cờ bạc.

Mấy tháng trước đây, Nam dẫn bạn gái về ra mắt cha mẹ và chính thức tuyên bố với mọi người trong gia đình sẽ lấy cô nàng làm vợ. Thôi thì thời buổi “con cái đặt đâu, cha mẹ ngồi đấy” nên ông bà đành nuốt “cục giận” miễn cưỡng đồng ý, hy vọng chỉ có vợ con nó mới “cột chân” được thằng con “bất trị”. 

Một năm sau, vợ chồng Nam chào đón đứa con trai đầu lòng kháu khỉnh. Ông bà nội thì vui ra mặt, ác cảm giữa cha mẹ chồng và nàng dâu ngày nào hầu như không còn nữa. Nam cũng vì thế mà có trách nhiệm với vợ con, thay cha mẹ gánh vác việc nặng nhọc trong gia đình. Nhân dịp các chị gái về chơi, trong bữa cơm quây quần, Nam ngỏ ý cha mẹ sang tên toàn bộ nhà đất cho mình để thuận tiện trong việc vay vốn mở mang sản xuất, kinh doanh bởi cha mẹ đã già yếu, đi lại khó khăn…

Các chị của Nam không ai có ý kiến gì, còn cha mẹ Nam thì lo ngại nếu “ngựa quen đường cũ” thì chẳng khác nào mình “giao trứng cho ác”. Ngược lại, đúng như lời con nói thì chẳng phải mình đang cản trở chúng hay sao? 

Còn chuyện của nhà ông Đúng (huyện Gò Quao - Kiên Giang) lại khác. Trước đây khi vợ ông còn sống, vợ chồng ông cho mỗi đứa ra riêng 7 công đất tầm lớn (hơn 9000m2) không phân biệt trai hay gái. Số còn lại 15 công đất và ngôi nhà ông dành để dưỡng già. Út Nhất còn ở chung với cha thì được coi như “giàu con út, khó con út, trút  sạch cửa nhà”.

Việc chia đất và tách thửa làm  “Sổ đỏ” sau đó cũng được tiến hành thuận lợi, duy chỉ có Út Nhất vì còn nhỏ nên chưa có chủ quyền do cha còn đang đứng tên trên  giấy tờ. Năm 22 tuổi Út Nhất lập gia đình, ông Đúng ra xã làm thủ tục sang tên toàn bộ nhà cửa, đất đai cho Út Nhất như các anh chị khác mà không cần đắn đo suy tính. Trớ trêu thay, từ ngày có vợ đến nay tính tình Út Nhất thay đổi hoàn toàn, nói nhiều câu gây sốc đối với ông, làm cho không khí gia đình lúc nào cũng như nhà có đám.

Ông nói ra câu nào thì Út Nhất nạt ngang câu đó, ông góp ý này nọ thì Út Nhất nói ông không có quyền gì trong cái nhà này. Giờ đây ông rất buồn, định bụng sẽ đòi lại toàn bộ nhà đất đã cho Út Nhất để dạy cho nó một bài học, nhưng không biết sự thể như thế nào?

Cho phải đúng cách mới là thương con

Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết nên di chúc chỉ có hiệu lực kể từ thời điểm người để lại di sản chết. Vợ, chồng có thể lập di chúc chung để định đoạt tài sản chung. Người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc vào bất cứ lúc nào. Khi vợ hoặc chồng muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc chung thì phải được sự đồng ý của người kia; nếu một người đã chết thì người kia chỉ có thể sửa đổi, bổ sung di chúc liên quan đến phần tài sản của mình mà không cần sự đồng ý của con.

Trong trường hợp đã lập di chúc thì cha mẹ vẫn có quyền ủy quyền cho con hoặc bảo lãnh cho con thế chấp vay tiền ngân hàng thông qua hợp đồng. Hợp đồng ủy quyền chấm dứt trong các trường hợp: Hợp đồng ủy quyền hết hạn; công việc được ủy quyền đã hoàn thành; bên ủy quyền, bên được ủy quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng… Hợp đồng bảo lãnh chấm dứt khi bên vay tiền hoàn thành nghĩa vụ trả tiền vốn và lãi vay.

Khi cha mẹ đã tặng cho tài sản cho con như trường hợp của ông Đúng thì không có quyền đòi lại tài sản đã cho. Cũng là hình thức cho tài sản nhưng đối với di chúc, nó chỉ phát sinh hiệu lực kể từ thời điểm người lập di chúc mất và người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc vào bất cứ lúc nào.

Đây là điểm khác biệt cơ bản giữa hợp đồng tặng cho tài sản và di chúc, cho nên những người làm cha mẹ như vợ chồng ông Tư Hiếu và ông Đúng cần lựa chọn giữa di chúc và tặng cho. Khi lập di chúc hay hợp đồng tặng cho cũng nên cân nhắc cho riêng con mình hay cho chung con trai với con dâu, con gái với con rể dựa trên đạo đức, phẩm chất của người con được nhận tài sản, nhằm tránh ôm mối hận về sau.

Đọc thêm