Địa phương cần phát huy vai trò chủ động trong quản lý công tác hộ tịch

(PLO) - Luật Hộ tịch đã phân cấp thẩm quyền mạnh cho cấp cơ sở, tạo thuận lợi cho việc đi lại, liên hệ, hướng dẫn thủ tục, nộp hồ sơ của người có yêu cầu đăng ký hộ tịch, giảm tải cho Sở Tư pháp. Tuy nhiên, năng lực, kỹ năng tiếp nhận, trình độ ngoại ngữ..., nhất là đối với việc đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài tại Phòng Tư pháp, UBND cấp huyện vẫn còn những bất cập nhất định nên dẫn đến việc thụ lý và giải quyết hồ sơ không đảm bảo quy định.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ngoài ra, nhiều chế định trong Luật Hộ tịch chưa được quy định cụ thể như việc xác minh đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài; chứng cứ nhận cha, mẹ con; xác định quốc tịch của người Việt Nam định cư ở nước ngoài trong đăng ký các giấy tờ hộ tịch; cam kết trong đăng ký hộ tịch... Do vậy, một số cơ quan đăng ký hộ tịch có cách hiểu và áp dụng khác nhau, có trường hợp dẫn đến khó khăn cho người dân.

Chia sẻ với những trăn trở từ thực tiễn, Bộ Tư pháp khẳng định, lĩnh vực hộ tịch là lĩnh vực có nhiều vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn này, với nhiệm vụ của cơ quan quản lý về chuyên môn, nghiệp vụ ở Trung ương, thời gian qua, Bộ Tư pháp (Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực) đã kịp thời có những văn bản trao đổi, hướng dẫn nghiệp vụ gửi Sở Tư pháp các địa phương với số lượng hơn 300 công văn; đồng thời, các công văn này cũng được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp để các Sở Tư pháp tiện theo dõi, tham khảo. Tới đây, với mục đích tạo điều kiện cho công chức làm công tác hộ tịch có tài liệu tham khảo mang tính “cầm tay chỉ việc”, Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực dự kiến sẽ biên soạn Sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ hộ tịch.

Bên cạnh đó, tại các lớp tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ hộ tịch, các báo cáo viên là lãnh đạo Cục, lãnh đạo cấp phòng còn trực tiếp trao đổi, hướng dẫn, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho các công chức làm công tác hộ tịch. Trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, Bộ Tư pháp (Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực) cũng tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc giải quyết thủ tục đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài tại UBND cấp huyện, trên cơ sở đó kịp thời trao đổi, hướng dẫn địa phương khắc phục thiếu sót.  

Tuy nhiên, để công tác đăng ký, quản lý hộ tịch đi vào nền nếp, hiệu quả, ngoài việc hướng dẫn, chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Tư pháp, đối với các địa phương, Bộ Tư pháp đề nghị UBND các tỉnh căn cứ quy định của Chính phủ, quyết định việc bố trí công chức làm công tác hộ tịch ở cấp huyện, cấp xã đảm bảo tiêu chuẩn theo các khoản 2, 3, 4 Điều 72 Luật Hộ tịch và bảo đảm cơ sở vật chất để phục vụ hoạt động đăng ký và quản lý hộ tịch; đồng thời, chỉ đạo các Sở Tư pháp phát huy vai trò chủ động trong quản lý công tác hộ tịch tại địa phương, kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cơ quan đăng ký hộ tịch. Đối với những vướng mắc, khó khăn phát sinh mới, đề nghị Sở Tư pháp tập hợp, phản ánh về Bộ Tư pháp (Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực) để có hướng dẫn kịp thời.

Đọc thêm