Điều chỉnh giới hạn đối với mức dư nợ cấp tín dụng

(PLO) - Đây là nội dung được đề cập tại Thông tư 06/2016/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định về giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Điều chỉnh giới hạn đối với mức dư nợ cấp tín dụng

Theo đó nội dung Thông tư, các Khoản bảo lãnh và cam kết phát hành dưới các hình thức tín dụng chứng từ có bảo đảm đầy đủ về thời hạn và giá trị bằng tiền gửi đồng Việt Nam, ngoại tệ; vàng; trái phiếu Chính phủ của bên được bảo lãnh và/hoặc bên thứ ba tại thời Điểm cấp bảo lãnh và/hoặc cam kết. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xác định giá trị cụ thể của tài sản bảo đảm nhưng bảo đảm giá trị tối đa theo nguyên tắc sau đây:

Tiền gửi bằng đồng Việt Nam: 100% số tiền gửi được sử dụng để bảo đảm cho các Khoản bảo lãnh và cam kết phát hành đó;

Tiền gửi bằng ngoại tệ: 95% số tiền gửi được sử dụng để bảo đảm cho các Khoản bảo lãnh và cam kết phát hành đó;

Vàng miếng, trừ vàng miếng có quy định riêng: 95% giá trị tính theo giá mua vào được niêm yết tại trụ sở chính của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng sở hữu nhãn hiệu vàng miếng tại thời Điểm cuối ngày liền trước ngày xác định giá trị;

Vàng miếng không có giá mua vào được niêm yết, vàng khác: 30% giá trị tính theo giá được định giá bởi tổ chức có chức năng thẩm định giá tại thời Điểm gần nhất trước ngày xác định giá trị tài sản bảo đảm hoặc theo giá được định giá bởi quy định nội bộ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong trường hợp không được định giá bởi tổ chức có chức năng thẩm định giá;

Trái phiếu Chính phủ: 95% giá trị trái phiếu Chính phủ có thời hạn còn lại dưới 1 năm hoặc 85% giá trị trái phiếu Chính phủ có thời hạn còn lại từ 1 năm đến dưới 5 năm hoặc 80% giá trị trái phiếu Chính phủ có thời hạn còn lại từ 5 năm trở lên. Giá trị trái phiếu Chính phủ được tính theo mệnh giá tại ngày xác định giá trị.”

Thông tư cũng quy định ngân hàng thương mại không được cấp tín dụng, ủy thác cho công ty con, công ty liên kết của chính ngân hàng thương mại để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu hay cho vay để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu.

Tổng dư nợ cho vay trung hạn, dài hạn cũng quy định mời. Theo  đó, các khoản sau đây có thời hạn còn lại trên 01 năm bao gồm: Các Khoản cho vay, cho thuê tài chính (bao gồm cả Khoản cho vay, cho thuê tài chính đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác tại Việt Nam), trừ dư nợ cho vay, cho thuê tài chính bằng nguồn ủy thác của Chính phủ, cá nhân và của tổ chức khác (bao gồm cả: tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác tại Việt Nam; ngân hàng mẹ, chi nhánh ở nước ngoài của ngân hàng mẹ) mà các rủi ro liên quan đến Khoản cho vay, cho thuê tài chính này do Chính phủ, cá nhân và tổ chức này chịu;

Các Khoản ủy thác cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác cho vay, cho thuê tài chính mà tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ủy thác chịu rủi ro;

Các Khoản mua, đầu tư vào giấy tờ có giá, trừ giấy tờ có giá được sử dụng trong các giao dịch của Ngân hàng Nhà nước (không bao gồm trái phiếu do Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) phát hành).

Về lộ  trình cho vay, Thông tư quy định:  Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn theo tỷ lệ tối đa với lộ trình sau đây:

Từ ngày 01 tháng 7 năm 2016 đến ngày 31 tháng 12 năm 2016: Ngân hàng thương mại: 60%; Chi nhánh ngân hàng nước ngoài: 60%; Tổ chức tín dụng phi ngân hàng: 100%; Ngân hàng Hợp tác xã: 60%; 

Từ ngày 01 tháng 01 năm 2017 đến 31 tháng 12 năm 2017:  Ngân hàng thương mại: 50%; Chi nhánh ngân hàng nước ngoài: 50%; Tổ chức tín dụng phi ngân hàng: 90%; Ngân hàng Hợp tác xã: 50%;

 Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018: Ngân hàng thương mại: 40%; Chi nhánh ngân hàng nước ngoài: 40%; Tổ chức tín dụng phi ngân hàng: 80%; Ngân hàng Hợp tác xã: 40%.

Đọc thêm