Điều chỉnh tăng mức viện phí: Tính đúng, tính đủ để người bệnh không bị “móc túi”

(PLO) - Dự kiến, hôm nay (25/4), tại cuộc họp báo thường kỳ, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam sẽ có những thông tin chi tiết làm rõ hơn các vấn đề liên quan trong quyết định điều chỉnh tăng mức viện phí theo Thông tư số 02/2017/TT-BYT.
Người dân làm thủ tục khám bệnh tại Bệnh viện Tim Hà Nội. Ảnh. nhandan.com.vn.
Người dân làm thủ tục khám bệnh tại Bệnh viện Tim Hà Nội. Ảnh. nhandan.com.vn.

Như PLVN đã đưa tin, theo Thông tư số 02/2017/TT-BYT, từ ngày 1/6/2017, mức viện phí mới của hơn 1.900 dịch vụ y tế sẽ được áp dụng tại các cơ sở y tế. Đây là đợt điều chỉnh viện phí cuối cùng trong lộ trình đưa chi phí tiền lương vào giá dịch vụ y tế.

Theo Bộ Y tế, việc điều chỉnh giá lần này để tạo sự bình đẳng giữa người có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) và người không có thẻ. Như vậy, việc người có BHYT được hưởng lợi rất nhiều từ mức viện phí mới sẽ “có thể là “đòn bẩy” để tăng tỷ lệ bao phủ của BHYT” hướng tới mục tiêu BHYT toàn dân. 

Nghịch cảnh “con đẻ, con nuôi” tại cơ sở y tế

Đến nay đã có gần 80% người dân tham gia BHYT và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu nâng chỉ tiêu bao phủ BHYT lên hơn 90% vào năm 2020 để “mọi người dân đều phải được hưởng phúc lợi quan trọng này, để bảo đảm an sinh xã hội”.

Song theo khảo sát tại các cơ sở khám chữa bệnh (KCB), tỷ lệ người dân có BHYT từ bỏ quyền lợi BHYT để lựa chọn hình thức “khám dịch vụ” vẫn cao với mong muốn được giảm thời gian chờ đợi khám, điều trị, thực hiện thủ tục thanh toán viện phí và một  phần nguyên nhân như một bệnh nhân chia sẻ: “để được thuốc tốt”. 

Trước đây, giá dịch vụ y tế được Nhà nước hỗ trợ thông qua “rót” ngân sách cho các cơ sở KCB công lập nên cơ bản giá các dịch vụ y tế vì thế cũng không thể tính đúng, tính đủ các chi phí trực tiếp để thực hiện dịch vụ, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ, làm cho người dân có thẻ BHYT không được hỗ trợ trực tiếp, tạo nên nghịch lý: có thẻ BHYT nhưng vẫn phải chịu chi phí KCB thực tế cao (do phải mua thuốc, vật tư y tế, dịch vụ không nằm trong danh mục BHYT). 

Không những vậy, giá dịch vụ y tế “không thể tính đúng, tính đủ” nên các cơ sở y tế phải tăng thu bằng loại hình “khám dịch vụ”, sinh ra tình trạng “con đẻ, con nuôi” khi nơi KCB BHYT thì chật chội, quá tải, còn nơi KCB dịch vụ thì xây dựng rộng rãi, tiện nghi. Sự tương phản này khiến người dân có thẻ BHYT thấy mặc cảm và không tin tưởng về chất lượng KCB BHYT, hạn chế mục tiêu mở rộng độ bao phủ BHYT. 

Hỗ trợ trực tiếp cho người có thẻ bảo hiểm y tế

Nhìn ở góc độ kinh tế, điều đó phản ánh chất lượng KCB (dù là BHYT hay dịch vụ) đều phụ thuộc vào nguồn đầu tư. Khi điều chỉnh tăng các dịch vụ y tế, “quyền lợi của người KCB nói chung và của người bệnh có thẻ BHYT nói riêng sẽ được đảm bảo do không phải trả thêm một số chi phí trước đây chưa tính trong giá.

Cùng với đó, với việc điều chỉnh tăng mức viện phí theo lộ trình để thực hiện Luật BHYT (sửa đổi), nguồn ngân sách nhà nước sẽ được chuyển sang hỗ trợ mức đóng cho người tham gia BHYT. Các cơ sở y tế muốn có thu sau khi Nhà nước giảm dần việc cấp ngân sách sẽ phải nâng cao chất lượng dịch vụ, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ KCB, thái độ phục vụ của nhân viên y tế để cạnh tranh, thu hút người dân đến KCB.

Đồng thời, khuyến khích các cơ sở y tế tuyến dưới nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh để người bệnh không cần “vượt tuyến”, không đi “trái tuyến”, giảm dần tình trạng quá tải ở các cơ sở y tế tuyến trên, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế như nhau ngay tại địa bàn, giảm chi từ tiền túi khi KCB theo BHYT. Theo tính toán, khi viện phí tính đủ, người bệnh cũng không phải trả thêm các khoản phí mà trước đây chưa quy định trong giá. Phần chênh lệch tăng giá, người bệnh chỉ phải đồng chi trả 0%-5%-20%, phần còn lại đã được BHYT thanh toán. Vì vậy, phần chi trả thêm không quá nhiều.

Bên cạnh những yếu tố tích cực sẽ đem lại cho người tham gia BHYT, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã dự báo và cảnh báo ngành Y tế cần thận trọng và có giải pháp để ngăn chặn nguy cơ lạm dụng dịch vụ kỹ thuật cao, chỉ định sử dụng dịch vụ KCB quá mức ngoài danh mục BHYT cho người bệnh… để tăng thu cho cơ sở y tế khi điều chỉnh tăng mức viện phí. Theo đó, ngành Y tế cần ban hành quy chuẩn KCB làm căn cứ đánh giá các chỉ định phù hợp hay vượt chuẩn khi cơ quan bảo hiểm xã hội thanh toán Quỹ BHYT. 

Đồng thời, cần có sự giám sát kịp thời phát hiện sai phạm, xử lý để đảm bảo uy tín của hoạt động KCB tại các cơ sở công lập, quyền lợi của người bệnh và sự ổn định, cân bằng của Quỹ BHYT. Giải pháp hữu hiệu để “sàng lọc” vi phạm trong hoạt động KCB “núp bóng” các hoạt động chuyên môn là ứng dụng công nghệ thông tin với các phần mềm thống kê liên quan đến các dịch vụ y tế được áp dụng… Bộ Y tế đang phối hợp với các bộ, ngành, Bảo hiểm xã hội để xây dựng một phần mềm quản lý công việc điện tử dùng chung có thể sẽ được áp dụng tại các cơ sở KCB trong năm 2017.

Đọc thêm