Điều kiện khai thác, sử dụng thông tin bảo hiểm của người khác

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo Nghị định 43/2021/NĐ-CP quy định về việc xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, cơ quan, tổ chức và cá nhân được phép khai thác và sử dụng thông tin của mình; thông tin cá nhân của người khác nếu được người đó đồng ý theo quy định của pháp luật.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cấm xâm phạm bí mật cá nhân, gia đình

Theo Nghị định 43/2021/NĐ-CP, Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm (CSDLQGBH) là Cơ sở dữ liệu quốc gia lưu trữ thông tin về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và thông tin về y tế, an sinh xã hội được cơ quan có thẩm quyền ghi nhận và đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ về bảo hiểm của công dân, CSDLQGBH là cơ sở dữ liệu của Chính phủ được xây dựng thống nhất trên toàn quốc, dùng chung cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm cung cấp chính xác, kịp thời thông tin về bảo hiểm phục vụ công tác quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu chính đáng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Điều 5 Nghị định cấm cung cấp thông tin không đúng sự thật; phá hoại hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin hoặc cản trở quá trình vận hành, duy trì ổn định, liên tục của CSDLQGBH; truy cập trái phép vào CSDLQGBH; sao chép, làm sai lệch thông tin, thay đổi, xóa, hủy dữ liệu trái pháp luật trong CSDLQGBH; khai thác, sử dụng hoặc tiết lộ thông tin từ CSDLQGBH không đúng quy định, xâm phạm quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình.

Nghị định 43/2021/NĐ-CP cũng quy định các đối tượng được phép khai khai thác, sử dụng dữ liệu CSDLQGBH gồm: Bảo hiểm xã hội Việt Nam khai thác, sử dụng dữ liệu từ CSDLQGBH phục vụ các hoạt động nghiệp vụ chuyên ngành trong lĩnh vực bảo hiểm;  Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khai thác, sử dụng dữ liệu phục vụ quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội, việc làm và an sinh xã hội;  Bộ Y tế khai thác sử dụng dữ liệu phục vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế bao gồm cả các thông tin, dữ liệu về bảo hiểm y tế; Văn phòng Chính phủ khai thác dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

 Bộ Thông tin và Truyền thông khai thác, sử dụng dữ liệu để kết hợp với các nguồn dữ liệu khác tạo ra các thông tin gia tăng phục vụ mục đích tham mưu, hỗ trợ ban hành chính sách trong Chính phủ điện tử, Chính phủ số; Bộ Công an, Bộ Quốc phòng khai thác sử dụng dữ liệu phục vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng; các cơ quan quản lý nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ khai thác, sử dụng dữ liệu phục vụ các hoạt động quản lý nhà nước theo thẩm quyền.

Chỉ được khai thác khi cá nhân đồng ý

Về cách thức khai thác, sử dụng dữ liệu, nghị định mới của Chính phủ quy định: Cơ quan, tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng dữ liệu từ CSDLQGBH qua Cổng dữ liệu quốc gia, Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng thông tin điện tử của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các hình thức khác do cơ quan có thẩm quyền cung cấp; cơ quan, tổ chức và cá nhân có quyền trích xuất thông tin của mình trong CSDLQGBH. Dữ liệu trích xuất được ký số của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và có giá trị như văn bản xác nhận của cơ quan có thẩm quyền cung cấp; cơ quan, tổ chức không được yêu cầu cá nhân cung cấp các giấy tờ liên quan nếu đã khai thác được thông tin của cá nhân từ CSDLQGBH.

Đáng chú ý, tại khoản 8 Điều 10 Mục 2 Nghị định 43/2021/NĐ-CP quy định, cơ quan, tổ chức và cá nhân được phép khai thác và sử dụng thông tin của mình; thông tin cá nhân của người khác nếu được người đó đồng ý theo quy định của pháp luật. Như vậy, theo quy định này, sắp tới cá nhân có thể tra cứu các thông tin về bảo hiểm xã hội như loại đối tượng bảo hiểm xã hội; phương thức đóng; quá trình đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;... và nhiều thông tin khác của mình trên CSDLQGBH.  

Nghị định cũng quy định quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân như: Được quyền khai thác, sử dụng dữ liệu từ CSDLQGBH theo quy định tại Nghị định này; được quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật khiếu nại, tố cáo khi bị vi phạm quyền khai thác, sử dụng dữ liệu của mình; tuân thủ các nguyên tắc quy định và các quy định của cấp có thẩm quyền về xây dựng, quản lý, khai thác, sử dụng CSDLQGBH; bảo đảm tính đầy đủ, chính xác của dữ liệu do mình cung cấp. Cập nhật, thông báo kịp thời cho cơ quan chủ quản dữ liệu khi có sự thay đổi hoặc có sai sót đối với dữ liệu cung cấp. 

Về kinh phí cho CSDLQGBH, Nghị định 43/2021/NĐ-CP quy định: Đối với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương: kinh phí thực hiện theo quy định tại Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 5/9/2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; đối với nhiệm vụ giao cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam: kinh phí thực hiện được sử dụng từ nguồn chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và kinh phí quản lý khác theo quy định của pháp luật. Nghị định 43/2021/NĐ-CP chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2021.

Đọc thêm