Đối tượng có điều kiện khó khăn về tài chính: Đảm bảo quyền được trợ giúp pháp lý

(PLO) - Hôm qua (12/7), Cục Trợ giúp pháp lý (TGPL), Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị thảo luận về một số nội dung của Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật TGPL với sự chủ trì của Cục trưởng Nguyễn Thị Minh. Tại Hội nghị, nội dung xoay quanh điều kiện khó khăn về tài chính của người được TGPL đã nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu.
Cục trưởng Nguyễn Thị Minh
Cục trưởng Nguyễn Thị Minh

Được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 20/6/2017 và có hiệu lực từ 1/1/2018, để việc triển khai Luật TGPL được đồng bộ, thống nhất trên toàn quốc, các vấn đề cần triển khai thực hiện ngay thuộc thẩm quyền của Chính phủ đều được Luật giao chi tiết, cụ thể để đảm bảo có hiệu lực cùng với Luật theo đúng quy định tại khoản 2, Điều 11 Luật Ban hành VBQPPL năm 2015.

Theo đó, Luật TGPL năm 2017 giao Chính phủ quy định chi tiết 5 vấn đề bao gồm: khó khăn tài chính của người được TGPL; tổ chức và hoạt động của Trung tâm TGPL nhà nước, Chi nhánh của Trung tâm; chế độ, chính sách của trợ giúp viên pháp lý, thù lao, chi phí thực hiện vụ việc TGPL cho luật sư, cộng tác viên TGPL ký kết hợp đồng với Trung tâm TGPL; thù lao, chi phí thực hiện vụ việc TGPL của tổ chức ký hợp đồng thực hiện TGPL với Sở Tư pháp và quy định chi tiết việc cộng tác viên tham gia TGPL.

Về điều kiện khó khăn về tài chính của người được TGPL, dự kiến quy định: “Người có khó khăn về tài chính là người thuộc hộ cận nghèo; người khó khăn đột xuất do bị ảnh hưởng bởi thiên tai, hỏa hoạn, mất mùa, dịch bệnh, tác động của biến đổi khí hậu đến mức được Nhà nước hỗ trợ vật chất; người không thể tiếp cận được tài sản của mình, của gia đình; người thuộc đối tượng bảo trợ xã hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội theo quy định của pháp luật”.

Liên quan đến nội dung này, đại diện Ban Chính sách pháp luật, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nêu lên thực tiễn nhiều phụ nữ bị bạo lực gia đình tuy không phải hộ nghèo nhưng có những thời điểm khó khăn, bị cưỡng ép ký vào giấy tờ để phân chia hoặc giao tài sản để có thể thoát khỏi những áp bức về mặt tinh thần. Do vậy, đề xuất cần nghiên cứu về đối tượng này để đảm bảo quyền được TGPL của họ, giúp họ được bảo vệ và an toàn hơn.

Còn theo ông Phạm Đại Đồng, Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), thời gian qua, Trung tâm TGPL trong toàn quốc đã thực hiện TGPL cho hơn 1.000 người khuyết tật dưới nhiều hình thức đa dạng. Bên cạnh đó, hàng nghìn người khuyết tật được phổ biến, cung cấp thông tin pháp luật thông qua hoạt động TGPL về cơ sở, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của người dân nói chung và người khuyết tật nói riêng.

Để công tác TGPL cho người khuyết tật thời gian tới tiếp tục đạt hiệu quả, cần mở rộng mạng lưới cung cấp dịch vụ TGPL cho người dân, nhất là vùng miền núi, đồng bào dân tộc, các huyện nghèo. Đẩy mạnh việc thực hiện chính sách TGPL cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và người có hoàn cảnh khó khăn theo Luật TGPL và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trong đó, tập trung thực hiện vụ việc TGPL, đặc biệt là các vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp, điển hình theo Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Luật TGPL được thông qua với nhiều nội dung mới, nhất là việc mở rộng đáng kể diện người được TGPL. Riêng với các chính sách, chế độ cho người thực hiện TGPL nói chung thì tương tự như Luật năm 2006, Luật năm 2017 chỉ quy định nguyên tắc tại Điều 5 về nguồn tài chính cho công tác TGPL. Vì vậy, trong quá trình nghiên cứu xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật, liên quan đến các quy định về kinh phí cho công tác TGPL nói chung, cần lưu ý tới trường hợp đặt ra việc kế thừa các quy định hiện hành về kinh phí cho công tác TGPL. Cùng với đó, cần tổ chức đánh giá, làm rõ mối tương quan về nội dung chi, mức chi cho công tác TGPL so với các lĩnh vực công tác khác, đặc biệt là những hoạt động có tính chất tương đồng.

Về diện người được TGPL, theo quy định của Luật năm 2017 đã được mở rộng đáng kể nên đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính đề nghị cần nghiên cứu để đề xuất lộ trình thực hiện đối với từng nhóm đối tượng cho phù hợp, tránh gây xáo trộn và bảo đảm khả thi trong triển khai thực hiện gắn với việc tăng kinh phí cho công tác này. Đồng thời, cần rà soát tổng thể để đảm bảo nguyên tắc không làm tăng chi ngân sách nhà nước theo hướng rà soát để bỏ những nội dung chi không phù hợp, qua đó có thể tăng mức chi cho các nội dung chi khác và vẫn đảm bảo thực hiện chỉ đạo của Chính phủ trong Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 1/1/2017 trong điều hành ngân sách nhà nước.

Đọc thêm