Dự án Luật thủy sản (sửa đổi) Hạn chế đánh bắt để tránh tận diệt nguồn cá

(PLO) - Cho ý kiến tại phiên họp về Dự án Luật Thủy sản (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sáng qua (21/1), các đại biểu cho rằng tài nguyên thủy sản không phải là vô tận, cần có quy định hạn chế đánh bắt vào mùa cá sinh sản để tránh tận diệt nguồn cá…
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của QH Võ Trọng Việt cho ý kiến tại phiên họp.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của QH Võ Trọng Việt cho ý kiến tại phiên họp.

Cần quy định hạn chế đánh bắt vào mùa cá sinh sản 

Tại phiên họp, cho ý kiến với tư cách là khách mời, Thượng tướng Phạm Ngọc Minh - Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam - trăn trở về tình trạng suy giảm thủy sản rất nghiêm trọng hiện nay và đề nghị Luật lần này cần có những điều quy định cụ thể về quản lý nhà nước, nêu rõ mùa nào cấm đánh bắt, đặc biệt vào mùa cá sinh sản hoặc những khu vực ven bờ, khu vực bảo tồn... “Cần phải cấp hạn ngạch đánh bắt, tránh tình trạng đánh bao nhiêu cũng được” – ông nói thêm.

Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội (QH) Võ Trọng Việt cho rằng các quy định cấm trong luật còn quá chung chung, chưa có gì rõ ràng. “Ở nước khác, mùa cá sinh sản đều cấm đánh bắt, họ cũng quy định rõ loại cá nào thì được đánh, vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm. Nhưng ở ta không cấm rõ ràng, cái cơ bản không có, mùa cá sinh sản ngư dân vẫn ra khơi đánh bắt hết nên mới dẫn đến câu chuyện tận diệt” - ông Việt nói.

Còn Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đề nghị cần làm rõ các hành vi bị cấm. “Việc đưa tạp chất vào nuôi trồng cần xử lý nghiêm. Thế hành vi đưa hóa chất độc hại xuống sông, xuống biển có bị cấm không? Ngay cả việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn thủy sản nằm trong các loại cấm thì cũng phải quy định vào luật” - ông Lưu đề nghị. Cũng theo ông Lưu, Dự thảo Luật mới chỉ đưa ra điều cấm đối với người dân còn đối với lực lượng quản lý cũng chưa được nêu. Theo ông, các lực lượng này có hành vi bao che, cản trở, nhũng nhiễu ngư dân, người dân cũng cần quy định rõ.

Hơn 177.000 người tử vong vì tai nạn, sự cố

Tại phiên họp buổi chiều, UBTVQH nhất trí với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng – An ninh của QH, theo đó đồng ý với Chính phủ về việc ban hành Nghị định quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy (PCCC) nhằm sớm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong công tác cứu nạn, cứu hộ hiện nay. 

Tuy nhiên, UBTVQH đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại các quy định trong dự thảo Nghị định để tránh khả năng chồng chéo chức năng nhiệm vụ của Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm, cứu nạn và không chồng chéo, trùng dẫm với các lực lượng khác. Một số ý kiến cũng đề nghị bên cạnh việc phân công, phân cấp hoạt động trong các tình huống cứu hộ, cứu nạn cũng cần quy định rõ về sự phối hợp của các cơ quan trong hoạt động PCCC để đảm bảo hiệu quả của hoạt động này. 

Trình bày Tờ trình của Chính phủ tại phiên họp, Trung tướng Bùi Văn Thành – Thứ trưởng Bộ Công an – cho biết, theo số liệu thống kê của các bộ, ngành, từ năm 2001 đến hết năm 2015, trên cả nước đã xảy ra 444.311 vụ cháy, nổ, tai nạn giao thông, tai nạn lao động và nhiều sự cố khác, làm chết 177.587 người, bị thương 343.340 người. Các vụ việc nêu trên chủ yếu là các sự cố, tai nạn diễn ra trên đất liền có tính đột xuất và chưa tới mức “thảm họa”, thiên tai lớn, thuộc trách nhiệm cứu nạn, cứu hộ của lực lượng PCCC, chưa cần thiết huy động lực lượng tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ lớn theo sự điều phối của Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn. 

Để tạo cơ sở pháp lý trong tổ chức, hoạt động của lực lượng PCCC, đồng thời bảo đảm sự chỉ đạo tập trung, thống nhất, tạo chuyển biến tích cực trong công tác cứu nạn, cứu hộ, ngày 15/10/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 44/2012/QĐ-TTg quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng PCCC quy định về nguyên tắc, các tình huống cơ bản trong cứu nạn, cứu hộ; lực lượng tham gia cứu nạn, cứu hộ; cơ chế phối hợp giữa các lực lượng tham gia cứu nạn, cứu hộ và bảo đảm điều kiện cho hoạt động cứu nạn, cứu hộ. 

Qua 4 năm triển khai thực hiện Quyết định số 44/2012/QĐ-TTg, lực lượng PCCC mà nòng cốt là lực lượng Cảnh sát PCCC cháy đã triển khai thực hiện có hiệu quả công tác cứu nạn, cứu hộ đối với nhiều sự cố, tai nạn xảy ra trong đời sống hàng ngày, được nhân dân tin tưởng, đánh giá cao. Tuy nhiên, văn bản pháp lý cao nhất quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng PCCC mới là Quyết định của Thủ tướng Chính phủ nên hiệu lực pháp lý thấp và còn một số bất cập khác. 

Đọc thêm