Dư luận hiểu sai về đề xuất gây bão của Chủ tịch UBND Tp Hà Nội

(PLO) - Sau đề xuất thu giá dịch vụ từ cơ sở dữ liệu dân cư mà nếu được đồng ý sẽ thu hơn 300 tỷ đồng cho ngân sách làm dư luận “nổi sóng”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết đây là đề xuất tạo thuận lợi cho người dân, cho doanh nghiệp và cho ngành kinh tế. 
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung

Đề xuất gây bão

Phát biểu tại phiên họp trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương về tình hình kinh tế - xã hội đầu tháng 7 vừa qua, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đề xuất Chính phủ cho thành phố thí điểm thu giá dịch vụ đối với việc cung cấp, chia sẻ các dữ liệu dân cư. 

Ông Chung cho biết, việc thu phí được thực hiện khi cung cấp dữ liệu dân cư cho các ngành như ngân hàng, công chứng và một số lĩnh vực khác. “Nếu được đồng ý thì mỗi năm thành phố sẽ thu được trên 300 tỷ đồng”, Chủ tịch Hà Nội nói.

Lãnh đạo Hà Nội cũng đề xuất Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ban, ngành tháo gỡ thủ tục, quy trình về thuê các dịch vụ công nghệ thông tin (đường truyền, phần mềm dịch vụ công trực tuyến…); Chính phủ sớm có hướng dẫn quy định về kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các tỉnh, thành với bộ, ban, ngành.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tập hợp thông tin cơ bản về công dân Việt Nam được xây dựng, thu thập, cập nhật, duy trì, khai thác và sử dụng qua các phương tiện điện tử.  Hệ cơ sở dữ liệu này được xây dựng thống nhất trên toàn quốc để dùng chung cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm cung cấp kịp thời thông tin cơ bản về dân cư phục vụ công tác quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội và yêu cầu chính đáng của công dân.

Từ năm 2011, lãnh đạo Hà Nội đã có chỉ thị về việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên địa bàn. Thành phố giao Công an chủ trì lên kế hoạch triển khai việc xây dựng hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên địa bàn TP Hà Nội.

Cuối năm 2017, thành phố cho hay cơ sở dữ liệu 7,5 triệu người dân Thủ đô đã được xây dựng để triển khai các ứng dụng, dịch vụ phục vụ công dân, doanh nghiệp và công tác điều hành của thành phố.

Về đề xuất này, dư luận hết sức xôn xao. Các trang tin điện tử, mạng xã hội tràn ngập những thắc mắc, băn khoăn và bày tỏ sự không đồng tình như: “Tại sao thành phố lại đem bán thông tin cá nhân của tui và cả gia đình tui? Nhà tui khai cho chính quyền nhằm phục vụ công tác quản lý chứ đâu phải để kinh doanh?”,

“Bán dữ liệu của dân có hỏi ý kiến dân không!”, “Tôi thì không đồng ý điều này, vì đây là thông tin cá nhân của mỗi người, quyền của mỗi người”, “Thông tin cá nhân của tôi, đã được tôi đồng ý chưa mà đem ra bán vậy?”, “Dữ liệu cá nhân là quyền riêng tư của công dân. Cơ quan công quyền chỉ được sử dụng nó trong chức năng của mình chứ không bao giờ được đem nó ra bán”…

Một đại diện ngân hàng chia sẻ sẵn sàng trả phí bởi hiện các ngân hàng khi tra cứu thông tin tín dụng của Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) cũng phải trả phí.

Chủ tịch Hà Nội: dư luận đang hiểu lầm

Trước những luồng dư luận khác nhau, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết đề xuất này nhằm tạo thuận lợi cho người dân. Bởi thông tin dữ liệu dân cư này chỉ là thông tin trên chứng minh nhân dân, hộ chiếu, không phải là bí mật đời tư. 

“Thông tin chia sẻ là thông tin trong chứng minh thư chứ không phải là thông tin cá nhân. Mọi người hiện nay đang bình luận sai ở chỗ đó. Việc chia sẻ như vậy để lấy tiền trả cho việc mình viết phần mềm, trả cho việc thuê đường truyền, thuê trung tâm dữ liệu…” – ông Chung nêu rõ.

Nói về cơ sở pháp lý của đề xuất, ông Chung cho rằng hiện nay việc xây dựng dữ liệu dân cư đã được Chính phủ giao cho Bộ Công an chủ trì. Theo Luật Phí và lệ phí tới đây thì Bộ Công an sẽ quản lý dữ liệu này và tiến hành thu phí. Còn căn cứ vào Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì Chủ tịch UBND các tỉnh, thành chịu trách nhiệm quản lý dân cư trên địa bàn và được phép ban hành giá dịch vụ. 

“Tôi đề xuất Chính phủ là giao cho các tỉnh, thành xây dựng các giá dịch vụ để các đơn vị (được chia sẻ dữ liệu này) phải trả chứ người dân không phải trả” - ông Chung nói.

Cơ sở dữ liệu dân cư này được tích hợp vào một trung tâm dữ liệu để dùng chung. Các đơn vị như phòng công chứng, ngân hàng có thể truy xuất dữ liệu và trả phí. Người dân khi tham gia các dịch vụ này sẽ không phải đem theo chứng minh nhân dân, giấy tờ liên quan như hiện nay đang làm mà chỉ cần cung cấp số định danh cá nhân để các đơn vị này truy xuất trên mạng thì sẽ ra các thông tin cần thiết.

Ví dụ, một người dân ra phòng công chứng chỉ cần đọc mã cá nhân là nơi đây có thể tra cứu ra thông tin. Thông tin trên mạng dữ liệu dùng chung này chính xác 100%, không làm giả được. Điều này rất tiện lợi cho người dân, đỡ phải làm nhiều thủ tục, đỡ phải mang theo nhiều giấy tờ. 

“Tại cuộc họp tôi nói vắn tắt nên mọi người chưa hiểu rõ. Các nước họ đã làm như thế rồi, đây là xu hướng và tới đây nước mình cũng phải làm như thế thôi” – ông Chung chia sẻ.

Theo ông Chung, TP Hà Nội là đơn vị đầu tiên trong tỉnh, thành cả nước xây dựng xong cơ sở dữ liệu dân cư. Cơ sở dữ liệu dân cư là những thông tin như trong chứng minh nhân dân, hộ chiếu và thông tin trong hộ khẩu gồm khoảng bảy thông số, không phải những thông tin về bí mật đời tư, cá nhân.

Về việc bảo mật tránh bị khai thác thông tin vào mục đích xấu, ông Chung nói không đáng lo vì cơ quan quản lý sẽ bảo mật. Hệ thống mạng dữ liệu sẽ kiểm soát được, truy vết được ngày nào, ai mở xem và mở cái đó nhằm mục đích gì.

Ngoài ra, người khác chỉ mở được khi người dân cung cấp đúng mã. Tức là không phải ai muốn truy xuất cũng được, giống như người dân đang dùng thẻ ngân hàng, phải đọc được số thẻ và mã số.

Cũng theo ông Chung, từ lúc ông làm Giám đốc Công an TP Hà Nội thì cơ sở dữ liệu về dân cư của TP đã được làm xong. Dữ liệu này đã chạy ổn định được 4-5 năm mà không người dân nào bị lộ thông tin.

Hiện người dân trong TP đến cơ quan Công an làm hộ chiếu thì phía Công an đều truy cập được cơ sở dữ liệu này. Đây là cơ sở rất có lợi cho công tác quản lý và đỡ phiền hà rất nhiều cho người dân.

Ông Chung khẳng định đề xuất chia sẻ không vi phạm pháp luật hiện hành bởi thực tế chứng minh thư đi đâu cũng phải xuất trình. Còn đơn vị muốn có thông tin phải được phép thì mới được truy cập. Đề xuất như vậy là có lợi cho người dân, có lợi cho doanh nghiệp, có lợi cho ngành kinh tế. 

Riêng về lo ngại lộ lọt thông tin cá nhân của người dân, ông Chung nhấn mạnh rằng không bao giờ lộ lọt được và hoàn toàn có thể kiểm soát được. Ví dụ như cấp cho một đơn vị làm công chứng thì chỉ có đơn vị đó mở được và việc chia sẻ như vậy có phần mềm kiểm soát lưu hết ngày giờ truy cập, truy cập ở đâu và ai mở.

Đọc thêm