Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam: Đảm bảo tính thống nhất, phù hợp thực tiễn

(PLVN) - Quá trình soạn thảo Luật Biên phòng Việt Nam, Ban soạn thảo đã tổ chức lấy ý kiến tham gia của 19 bộ, ngành, UBND 44 tỉnh, thành biên giới; khảo sát, tọa đàm tại 17 tỉnh, thành biên giới và được Bộ Tư pháp thẩm định. Dự thảo Luật bảo đảm tính thống nhất, không chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, không trùng lặp về nội dung với các văn bản pháp luật hiện hành.
Bộ đội Biên phòng hướng dẫn du khách thực hiện xuất, nhập cảnh tự động qua Cửa khẩu quốc tế Lào Cai.
Bộ đội Biên phòng hướng dẫn du khách thực hiện xuất, nhập cảnh tự động qua Cửa khẩu quốc tế Lào Cai.

Không chồng chéo, trùng lặp 

Tới đây, Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN) sẽ được Quốc hội đưa ra thảo luận. Theo Ban soạn thảo, qua khảo sát, nội dung Dự thảo Luật BPVN bảo đảm tính thống nhất, không chồng chéo, trùng lặp về nội dung với các văn bản pháp luật hiện hành.

Khoản 1 Điều 2 Dự thảo Luật BPVN nêu khái niệm: “Biên phòng là tổng thể các biện pháp để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới”. Còn Điều 2 Luật Biên giới Quốc gia (BGQG) quy định: “Luật này quy định về BGQG; chế độ pháp lý về BGQG; xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG và khu vực biên giới”.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, Điều 5 dự thảo Luật BPVN quy định 9 nhiệm vụ biên phòng tại các điều (từ Điều 25 đến Điều 34). Luật BGQG quy định về xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG. Như vậy, Dự thảo Luật BPVN và Luật BGQG có sự phân định cụ thể, thể hiện trên các vấn đề sau:

Thứ nhất, Luật BGQG tập trung quy định và điều chỉnh về BGQG, chế độ pháp lý về BGQG là chủ yếu, trong đó quy định có tính nguyên tắc về trách nhiệm của Nhà nước (trách nhiệm ban hành chính sách), các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành trong xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG, khu vực biên giới và xây dựng Bộ đội Biên phòng (BĐBP). 

Dự thảo Luật BPVN quy định cụ thể về nhiệm vụ biên phòng, nguyên tắc và trách nhiệm của các chủ thể trong việc thực thi nhiệm vụ biên phòng, bảo đảm thống nhất, đồng bộ.

Thứ hai, Dự thảo Luật BPVN luật hóa hình thức, biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới; nội dung cụ thể xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân.

Thứ ba, cùng với đó, Dự thảo Luật đã nội luật hóa điều ước quốc tế về biên phòng trên các lĩnh vực phù hợp với chủ trương, đường lối, của chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm tăng cường đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng, đối ngoại nhân dân, mở rộng quan hệ hợp tác với các nước có chung đường biên giới, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Đối với Luật An ninh quốc gia (ANQG), điểm c khoản 1 Điều 22 Luật ANQG quy định: “BĐBP, Cảnh sát biển là cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia ở khu vực biên giới trên đất liền và khu vực biên giới trên biển”. 

Theo đó, BĐBP là một trong những cơ quan chuyên trách bảo vệ ANQG nên có trách nhiệm thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn, nội dung các biện pháp bảo vệ ANQG ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của Luật ANQG. 

Trong quản lý, bảo vệ BGQG, BĐBP được quyền sử dụng các biện pháp nghiệp vụ theo quy định tại Điều 15 Luật ANQG bao gồm: Vận động quần chúng, pháp luật, ngoại giao, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, nghiệp vụ, vũ trang.

Quy định xuất phát từ thực tiễn

Thiếu tướng Bùi Đức Hạnh, Phó Tư lệnh BĐBP cho biết, khoản 3 Điều 15 Dự thảo Luật BPVN quy định BĐBP có quyền: “Kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định pháp luật”. Việc quy định như vậy là xuất phát từ cơ sở pháp lý, thực tiễn sau:

Một là, các nghị quyết của Đảng, văn bản pháp luật hiện hành đều quy định BĐBP chủ trì, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu thực hiện thủ tục biên phòng và kiểm tra phương tiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật để xử lý đảm bảo ANQG và phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, cụ thể:

Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 08/8/1995 của Bộ Chính trị về xây dựng BĐBP trong tình hình mới xác định BĐBP có nhiệm vụ:“Kiểm soát việc xuất cảnh, nhập cảnh qua các cửa khẩu biên giới và qua các đường qua lại biên giới, ngăn chặn và xử lý các hành động vi phạm pháp luật về biên giới”.

Thông báo số 165-TB/TW ngày 22/12/2004 của Ban Chấp hành Trung ương về việc Kết luận của Bộ Chính trị về tổ chức BĐBP xác định BĐBP có nhiệm vụ: “Chống các hoạt động xâm nhập, vượt biên phá hoại an ninh, trật tự của địch và các loại tội phạm, nhất là buôn lậu, vận chuyển ma túy, vũ khí, chất nổ qua biên giới”.

Điều 49 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 quy định Bộ Quốc phòng có trách nhiệm: “Kiểm soát nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh tại cửa khẩu theo quy định của pháp luật; kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam tại cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý”.

Khoản 3 Điều 47 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 quy định Bộ Quốc phòng có trách nhiệm:“Kiểm soát nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh tại cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý”. Điều 6 Pháp lệnh BĐBP năm 1997 quy định BĐBP có nhiệm vụ: “Kiểm soát việc xuất cảnh, nhập cảnh qua các cửa khẩu biên giới và qua các đường qua lại biên giới”.

Hai là, thực tiễn BĐBP đang trực tiếp kiểm soát xuất, nhập cảnh đối với người, phương tiện tại các cửa khẩu, cảng biển do Bộ Quốc phòng tại 117 cửa khẩu biên giới đất liền, 35 cửa khẩu cảng biển, 2 cảng nội địa, 283 bến cảng, 14 cảng dầu khí ngoài khơi. 

Trong thời gian gần đây, việc lợi dụng cơ chế kiểm soát hàng hóa thông thoáng ở cửa khẩu để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại ở cửa khẩu diễn biến phức tạp; BĐBP đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc sử dụng phương tiện vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu.

Như vậy, việc kiểm tra hàng hóa do Hải quan chủ trì, còn BĐBP kiểm tra phương tiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu. Việc quy định nhiệm vụ của BĐBP như Dự thảo Luật BPVN là phù hợp với thực tiễn, không chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và địa bàn hoạt động của Hải quan.

Đọc thêm