Dự thảo nghị định hoạt động dược can thiệp vào nội bộ của tổ chức?

(PLVN) - Góp ý với Bộ Y tế về Dự thảo Nghị định quy định về tổ chức, hoạt động dược lâm sàng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, một số quy định can thiệp vào nội bộ cơ quan, tổ chức hoặc không phù hợp với quy định của Luật Dược.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Điểm a khoản 2 Điều 4 Dự thảo quy định: “Người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phê duyệt dân sự làm người phụ trách công tác dược lâm sàng và một số người làm công tác dược lâm sàng trên cơ sở đề xuất của Trưởng khoa Dược”. Theo cộng đồng DN, đây là quy định không cần thiết, can thiệp vào việc tổ chức nội bộ của tổ chức, cần phải được xem xét bãi bỏ.

Điều kiện đối với người phụ trách công tác dược lâm sàng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được quy định tại Điều 21 Luật Dược.

Theo đó, người phụ trách công tác dược lâm sàng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải có văn bằng chuyên môn quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 13 của Luật Dược và có 02 năm thực hành chuyên môn tại cơ sở dược phù hợp hoặc bệnh viện, viện có giường bệnh.

Còn người phụ trách công tác dược lâm sàng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền phải có văn bằng chuyên môn quy định tại điểm c khoản 1 Điều 13 của Luật Dược và có 02 năm thực hành chuyên môn tại bệnh viện, viện có giường bệnh có hoạt động y học cổ truyền.

Trong khi đó, Điều 5 Dự thảo Nghị định quy định về tổ chức, hoạt động dược lâm sàng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định: “Người phụ trách công tác dược lâm sàng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải là người làm công tác dược lâm sàng đáp ứng quy định tại Điều 21 Luật Dược số 105/2016/QH13 và được cấp Chứng chỉ hành nghề dược”.

Bộ Y tế lý giải, đây là quy định yêu cầu người phụ trách công tác dược lâm sàng phải đáp ứng điều kiện theo quy định tại Luật Dược và phải có thời gian, nội dung thực hành chuyên môn tại các cơ sở có liên quan đến công tác sử dụng thuốc.

Điều kiện của người làm công tác dược lâm sàng được quy định theo hướng ngoài bằng tốt nghiệp cử nhân/đại học ngành dược, cần có văn bằng, chứng chỉ đào tạo về dược lâm sàng để bảo đảm hoạt động tư vấn, sử dụng thuốc của người làm công tác dược lâm sàng.

Theo VCCI, quy định của dự thảo yêu cầu người phụ trách công tác dược lâm sàng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải được cấp Chứng chỉ hành nghề dược là chưa phù hợp với Điều 21 Luật Dược. Vì thế, đại diện cộng đồng DN đề nghị Ban soạn thảo bỏ yêu cầu này.

Về điều kiện đối với người làm công tác dược lâm sàng, Điều 7 Dự thảo quy định về một trong các điều kiện  người làm công tác dược lâm sàng phải đáp ứng một trong các điều kiện: “Được đào tạo liên tục và có Chứng chỉ đào tạo dược lâm sàng”.

VCCI cho biết, theo phản ánh của một số DN thì điều kiện này chưa phù hợp với thực tế. Bởi vì, hiện tại các trường đại học y, dược có tổ chức đào tạo liên tục về các chuyên đề cụ thể của dược lâm sàng và chứng chỉ được ghi tên về các chuyên đề đã đào tạo.

Một số sở y tế ở địa phương cũng có chương trình đào tạo liên tục cho các dược sĩ đang làm việc cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh về dược lâm sàng. Tất cả các hoạt động đào tạo trên thì chứng chỉ được cấp đều không ghi là “Chứng chỉ đào tạo dược lâm sàng”. Vì vậy, để đảm bảo quy định có tính khả thi, VCCI đề nghị điều chỉnh lại quy định này để phù hợp với thực tế. 

Đọc thêm