Dự thảo Nghị định về kinh doanh dịch vụ đòi nợ: Giám đốc chi nhánh phải có bằng đại học

(PLO) - Theo đó, doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực đòi nợ thuê phải có vốn điều lệ không dưới 2 tỷ đồng. Giám đốc chi nhánh doanh nghiệp đòi nợ phải trình độ học vấn đại học trở lên, thuộc các ngành kinh tế, quản lý, pháp luật, an ninh… Đó là những nội dung đang gây ra nhiều ý kiến khác nhau xung quanh việc sửa đổi quy định hiện hành về kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê. 
Hoạt động đòi nợ thuê gây nhiều phức tạp về an ninh nên cần quản chặt hơn - ảnh minh họa
Hoạt động đòi nợ thuê gây nhiều phức tạp về an ninh nên cần quản chặt hơn - ảnh minh họa

Đòi nợ phải có bằng đại học trở lên 

Mới đây, Bộ Tài chính đã công bố để lấy ý kiến đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính, trong đó có Nghị định số 104/2007/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ đòi nợ. 

Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi Điều 13 về điều kiện về vốn với hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Theo đó, mức vốn điều lệ tối thiểu đối với ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ là 2 tỷ đồng.

Dự thảo cũng quy định điều kiện, tiêu chuẩn với lãnh đạo quản lý. Theo đó, người quản lý, giám đốc chi nhánh doanh nghiệp đòi nợ phải trình độ học vấn đại học trở lên và thuộc một trong các ngành kinh tế, quản lý, pháp luật, an ninh.

Bên cạnh đó, những người này phải chưa từng bị kết án. Lãnh đạo công ty đòi nợ thuê cũng không được giữ chức danh quản lý doanh nghiệp đòi nợ đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trước đó. 

Đây là điểm mới so với Nghị định 104/2007/NĐ-CP trước đây chỉ yêu cầu nhân sự hoạt động trong công ty kinh doanh thu nợ phải có trình độ học vấn từ trung cấp trở lên thuộc một trong các ngành kinh tế, quản lý, pháp luật, an ninh.

Dự thảo đưa ra lần này cũng sửa đổi một số điều kiện tiêu chuẩn đối với người lao động của công ty đòi nợ thuê. Người lao động ở đây phải được tuyển dụng theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động có xác định thời hạn từ 6 tháng trở lên; có trình độ học vấn từ trung cấp trở lên thuộc một trong các ngành kinh tế, quản lý, pháp luật, an ninh.

Các trường hợp người lao động đã bị khởi tố hình sự mà các cơ quan tố tụng trong và ngoài nước đang tiến hành điều tra, truy tố, xét xử sẽ không được phép làm việc trong các doanh nghiệp đòi nợ thuê. 

Ngoài ra, người lao động trong lĩnh vực này phải không thuộc các đối tượng đã từng bị kết án, đang trong thời gian được tạm hoãn chấp hành hình phạt tù; cải tạo không giam giữ; quản chế, cấm cư trú.

Những người đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại địa phương; xử lý hành chính trong thời gian chờ thi hành quyết định; nghiện ma túy; tạm hoãn, tạm đình chỉ giáo dục bắt buộc… cũng sẽ không được phép làm việc cho các doanh nghiệp đòi nợ thuê. 

Bên cạnh đó, nhân viên đòi nợ thuê cũng không được thuộc các trường hợp đã từng bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính vì chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự, cố ý gây thương tích, cho vay lãi nặng, đánh bạc, tổ chức đánh bạc, làm nhục người khác, lừa đảo…

Nhiều diễn biến phức tạp về an ninh, trật tự 

Hiện nay, theo quy định của Nghị định 104/2007 của Chính phủ, doanh nghiệp đòi nợ thuê được xem là đại diện của chủ nợ để xác định các khoản nợ, đôn đốc khách nợ trả nợ, thu nợ… Đồng thời làm tư vấn pháp luật cho cả chủ và khách nợ về việc xác định nợ; biện pháp, quy trình, thủ tục xử lý nợ. 

Tuy nhiên, tại Công văn số 1423/BCA-C42 ngày 27/6/2017, Bộ Công an cho biết, trong những năm qua, ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê gây ra nhiều diễn biến phức tạp về tình hình an ninh, trật tự.

Thực tế, hoạt động dịch vụ đòi nợ diễn biến khá phức tạp. Mới đây nhất, ngày 20/6, Cơ quan CSĐT Công an TP Long Xuyên (An Giang) vừa đề nghị UBND thành phố ra quyết định xử phạt hành chính đối với Giám đốc và một nhân viên Công ty đòi nợ thuê, mỗi người 15 triệu đồng về hành vi tàng trữ vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ trái phép. 

Theo đó, tối 14/6, bà L.T.G (trú tại phường Mỹ Quí, TP Long Xuyên) đến Công an phường trình báo bị một nhóm đối tượng điều khiển xe ôtô BKS 48A – 068.33 của Công ty TNHH-MTV đòi nợ Kim Ngân (trụ sở tại tỉnh Đắc Nông) đến đòi nợ và có hành vi chửi bới, hăm dọa, đánh bà bị thương. 

Khi lực lượng Công an TP Long Xuyên đến mời các đối tượng về trụ sở làm việc và tiến hành kiểm tra xe ô tô nói trên, nhóm thanh niên trên xe không chấp hành mà còn có hành vi chống đối. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện xe ô tô trên có tàng trữ nhiều hung khí nguy hiểm như: dao, mã tấu, bình xịt hơi cay và một cây chích điện...

Trước đó, ngày 19/6, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết lực lượng chức năng đã bắt giữ Nguyễn Văn Thanh (25 tuổi, trú huyện Hoằng Hóa), Lê Văn Chung (23 tuổi, trú huyện Như Xuân), Nguyễn Tuấn Anh (32 tuổi, trú huyện Đông Sơn); Nguyễn Văn Quang (27 tuổi), Nguyễn Văn Sơn (23 tuổi) và Lê Văn Lộc (32 tuổi, đều trú TP Thanh Hóa) vì dùng súng đi đòi nợ. 

Các đối tượng này liên tục đem theo các loại súng tự chế đến nhà, cửa hàng của nhiều người dân có vay tiền để đe dọa, thậm chí bắn vào nhà gây hư hỏng tài sản. Sau khi bắt giữ các đối tượng trên, lực lượng công an đã khám xét trụ sở Công ty Tuấn Anh, phát hiện và thu giữ 2 khẩu súng tự chế, 5 viên đạn, nhiều dao, kiếm, tuýp sắt…

Chưa phải là giải pháp căn cơ

Tuy nhiên, góp ý cho dự thảo, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) bày tỏ băn khoăn: Không rõ tại sao doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ lại phải đáp ứng yêu cầu về vốn pháp định? Nếu không có đủ nguồn vốn này thì các lợi ích công cộng nào sẽ bị tác động? 

Bởi về mặt bản chất, mối quan hệ giữa chủ nợ và doanh nghiệp đòi nợ được xác lập trên cơ sở các thỏa thuận tư. Những rủi ro phát sinh từ hoạt động đòi nợ (doanh nghiệp đòi nợ không trả lại số tiền nợ đã đòi được từ con nợ cho chủ nợ) sẽ được giải quyết tranh chấp trên cơ sở hợp đồng của hai bên, khoản tiền vốn pháp định mà doanh nghiệp phải đáp ứng không phải là yếu tố đảm bảo cho quyền lợi của chủ nợ (đó là chưa kể, khoản nợ có thể lớn hơn rất nhiều con số 2 tỷ đồng).

Vì vậy, theo VCCI, việc áp đặt điều kiện về vốn ban đầu của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ là chưa hợp lý, rất ít ý nghĩa thực tiễn trong khi lại là cản trở đáng kể việc gia nhập thị trường của doanh nghiệp. 

VCCI cũng đề nghị bỏ các điều kiện về trình độ của người quản lý, giám đốc chi nhánh, người lao động của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ (quy định tại Điều 14, 15 Nghị định 104/2007/NĐ-CP). Bởi vì không nhận thấy bất kỳ đặc thù nào về trình độ chuyên môn của hoạt động kinh doanh này so với các ngành, nghề kinh doanh thông thường nào khác.

“Nếu mục tiêu của quy định về điều kiện nhân lực của hoạt động kinh doanh này là nhằm hướng tới đảm bảo hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thì đây không phải là mục tiêu phù hợp khi quy định về điều kiện kinh doanh theo quy định tại Luật đầu tư 2014” – góp ý của VCCI nêu.

Đọc thêm