Ghi số CMND vào đơn thuốc ngoại trú với trẻ dưới 6 tuổi: Vì sao còn nhiều ý kiến trái chiều?

(PLO) - Dù quy định đối với trẻ dưới 72 tháng tuổi thì phải ghi số tháng tuổi, ghi tên và số CMND hoặc số căn cước công dân của bố hoặc mẹ, người giám hộ của trẻ trên đơn thuốc - mới có hiệu lực thi hành được vài ngày, trên thực tế vẫn rất ít người dân biết tới quy định này. 
Phụ huynh còn nhiều băn khoăn trước quy định mới về kê đơn thuốc cho trẻ dưới 6 tuổi.
Phụ huynh còn nhiều băn khoăn trước quy định mới về kê đơn thuốc cho trẻ dưới 6 tuổi.

Cùng với đó, theo một số người dân, bên cạnh mặt tích cực nhất định, quy định này sẽ mang lại không ít phiền hà cho cả bệnh nhân và cán bộ y tế.

Nhiều người chưa nắm rõ quy định 

Từ 1/3, Thông tư 52/2017 của Bộ Y tế quy định về kê đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú chính thức có hiệu lực thi hành. Tại khoản 3, Điều 6 quy định: Đối với trẻ dưới 72 tháng tuổi (6 tuổi) thì phải ghi số tháng tuổi, ghi tên và số chứng minh thư nhân dân (CMND) hoặc số căn cước công dân của bố hoặc mẹ, người giám hộ của trẻ trên toa thuốc. 

Theo ghi nhận sáng ngày 3/3 tại một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, nhiều bệnh viện vẫn chưa thực hiện việc đưa số chứng minh thư của kê đơn thuốc cho trẻ theo quy định mới của Bộ Y tế.

Qua khảo sát của phóng viên tại Bệnh viện Nhi Trung ương, khi được hỏi nhiều người đưa con em tới khám đều cho rằng họ chưa được nghe hay biết tới quy định này. Bên cạnh đó, có nhiều ý kiến trái chiều đến từ các ông bố, bà mẹ, đa phần các bậc phụ huynh tỏ ra lo ngại trước thông tin này. Bởi lẽ, trong nhiều trường hợp gấp gáp, cha mẹ có thể quên CMND ở nhà, hoặc người mua thuốc không phải là người giám hộ trẻ thì việc xuất trình CMND sẽ gặp nhiều khó khăn.

Một phụ huynh giấu tên từ Kim Tân, Lào Cai đưa con tới Bệnh viện Nhi Trung ương khám bệnh cho biết: Tôi cũng mới loáng thoáng nghe tới quy định này và tôi cũng đồng tình với quy định vì sẽ khiến tôi yên tâm hơn trong việc quản lý thuốc kháng sinh tại các hiệu thuốc. Tuy nhiên, theo tôi nên có một cách thức nào đó để sao cho thật phù hợp với tất cả mọi người. Chẳng hạn như các mẹ đăng ký số chứng minh điện tử hay như thế nào đó để trong trường hợp quên chứng minh nhưng vẫn đảm bảo kê đơn, mua được thuốc điều trị cho trẻ. 

Chị Nguyễn Thị Oanh (Tây Hồ - Hà Nội) cho biết: Tôi chưa được biết tới quy định này nhưng nếu phải trình chứng minh thư thì theo tôi chắc cũng tốt thôi. Tuy nhiên, chỉ sợ trong trường hợp đưa con đi cấp cứu vội quá lỡ quên mang chứng minh thư nếu cứ áp dụng đúng theo quy định thì cũng có phần phiền hà, phức tạp hơn cho những trường hợp gấp, vội đó. 

Anh Trịnh Khắc Sáng (Thanh Hóa) cho biết: “Tôi chưa biết tới quy định này, sáng nay đưa con tới khám ở bệnh viện cũng chưa thấy bác sĩ hỏi số chứng minh thư nhân dân của bố hay mẹ, trong đơn thuốc cũng chưa phải ghi số CMND. Nếu là quy định bắt buộc, mình sẽ tuân thủ dù chưa hiểu được mức độ hiệu quả đến đâu. Nhưng rất mong các cơ quan làm sao để thuận tiện, rút ngắn thời gian, đừng làm khó cho bệnh nhân, người nhà khi đi khám, chữa bệnh”.

Vừa làm vừa đánh giá, khảo sát để bổ sung, hoàn thiện

ThS. Cao Hưng Thái - Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh – Bộ Y tế đã trả lời rõ hơn về vấn đề này: Thông tư 52/2017/ TT-BYT  ký ngày 29-12-2017, Quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hoá dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú tại Điều 6 về yêu cầu chung với nội dung kê đơn thuốc, cần được hiểu rõ là: ngay khi đến các cơ sở khám, chữa bệnh bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ dưới 72 tháng tuổi phải đem theo Chứng minh thư nhân dân để khi kê đơn các bác sĩ điền đầy đủ các thông tin trên. Khi có đơn thuốc (với đầy đủ thông tin về số nhà, đường phố, tổ dân phố hoặc thôn/ấp/bản, xã/phường/thị trấn, quận/huyện/thị xã/thành phố thuộc tỉnh, tỉnh/thành phố và số CMT Nhân Dân của bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ dưới 72 tháng tuổi) thì bất kể ai là người nhà hoặc người thân của trẻ có thể đi mua thuốc tại các cơ sở bán lẻ thuốc.

Đây là nội dung mới so với những quy định trước đây. Vì đơn thuốc theo quy định của Luật Dược phải đảm bảo 3 ý nghĩa là: Một là: Đảm bảo tính chuyên môn trong việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và hiệu quả; Hai là: Đảm bảo tính kinh tế: Người bệnh tính được chi phí khám, chữa bệnh; Ba: Đảm bảo tính pháp lý: mối quan hệ giữa thầy thuốc và người bệnh trong cung cấp dịch vụ y tế.

Trước những lo ngại làm sao để giám sát được kê đơn thuốc có thông tin về chứng minh thư tại các nhà thuốc, ThS Cao Hưng Thái cho rằng khi đi kiểm tra giám sát nếu phát hiện ra nhà thuốc vẫn bán những đơn mà không có chứng minh thư cho trẻ dưới 72 tháng tuổi thì trước tiên sẽ là trách nhiệm của nhà thuốc, sau đó sẽ là trách nhiệm của bác sỹ kê đơn.ThS Cao Hưng Thái cũng cho biết việc ghi thêm CMT với đơn thuốc cho trẻ dưới 72 tháng tuổi cũng mất thêm một chút thời gian khám, chữa bệnh của người thầy thuốc nhưng đây là việc hoàn toàn cần làm để quản lý tốt việc kê đơn và bán thuốc theo đơn, đặc biệt là việc mua bán và lạm dụng kháng sinh đang diễn ra phổ biến hiện nay. Cũng có thể xuất hiện một vài trường hợp phát sinh song đa số trẻ dưới 6 tuổi đều được bố, mẹ và người thân đi khám nên việc ghi số CMT không có gì là quá khó khăn.

Đại diện Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết thêm: Thông tư số 52/2017/TT-BYT liên quan đến nhiều đối tượng. Thông tư đã kế thừa những quy định trước đây, đồng thời xin ý kiến các bên liên quan trước khi ban hành. Trong quá trình thực hiện, Bộ Y tế tiếp tục có những đánh giá, khảo sát để kịp thời bổ sung và hoàn thiện những bất cập nếu có.

Đọc thêm