“Giải phóng” nguồn lực đất đai cho doanh nghiệp

(PLO) - Lĩnh vực tài nguyên - môi trường lâu nay luôn là lĩnh vực mà các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nhất khi thực hiện thủ tục hành chính (TTHC), đặc biệt là những TTHC liên quan đến đất đai. Vì vậy, cần tiếp tục đơn giản hóa TTHC, gỡ vướng và tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng đất đai là đề xuất của rất nhiều ý kiến nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong khai thác nguồn lực về đất đai. 
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Theo một kết quả nghiên cứu, mức độ kịp thời trong xử lý những bất cập, vấn đề nóng phát sinh trong thi hành pháp luật của lĩnh vực này chỉ chiếm tỷ lệ 7,23% trong khi rất chậm chiếm tới 10,84%. Đơn cử, khi triển khai một dự án bất động sản tại Hà Nội, doanh nghiệp phải thực hiện rất nhiều bước từ xin định hướng triển khai dự án của UBND thành phố; nộp hồ sơ xin chấp thuận đầu tư ở Sở Kế hoạch và Đầu tư đến làm thủ tục để được cấp giấy chứng nhận đầu tư; làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường và cuối cùng mới được cấp phép xây dựng. Với những dự án có quy mô lớn thì không phải UBND thành phố xem xét, mà phải thông qua Thường trực Thành ủy quyết định, trên cơ sở đó doanh nghiệp mới được thực hiện thủ tục triển khai dự án…

Nhìn vào ví dụ trên, có thể nói, TTHC vẫn là trở ngại chính đối với các doanh nghiệp khi mở rộng mặt bằng sản xuất kinh doanh, khó khăn này càng gia tăng ở thời gian và quy trình thực hiện. Không những thế, quy định của pháp luật về đất đai liên quan đến việc khai thác nguồn lực tài chính đất đai bằng hình thức liên doanh, liên kết vẫn còn nhiều bất cập, chưa có quy định hoặc quy định chưa cụ thể, dẫn đến vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Chỉ ra hàng loạt dự án có sử dụng đất của tỉnh nhà đang gặp khó khăn, vướng mắc trong triển khai, đại diện tỉnh Thanh Hóa lý giải một trong những nguyên nhân là do việc đầu tư thực hiện các dự án liên quan đến nhiều quy định của pháp luật như Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường... dẫn đến thủ tục kéo dài.

Để tháo gỡ, vị này kiến nghị các cấp, các ngành cần bảo đảm thực hiện có hiệu quả việc rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết các TTHC về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường..., phù hợp với các quy định của pháp luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân khi đầu tư vào địa bàn tỉnh. Đi đôi với đó, các ngành, các cấp có liên quan cần phối hợp  hiệu quả nhằm rà soát quy trình, thủ tục về chấp thuận chủ trương đầu tư; cấp, điều chỉnh và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; cấp, điều chỉnh giấy đăng ký doanh nghiệp và các quy định liên quan đến đầu tư theo đúng quy định hiện hành. 

Tại tỉnh Đắk Nông, có năm triển khai hơn 100 dự án song chỉ có 42,3% số dự án đi vào hoạt động, số dự án còn lại hiện đang gặp khó khăn về vốn, giải phóng mặt bằng, TTHC… Vì vậy, Đắk Nông cho rằng công tác cải cách hành chính nên tiếp tục được đẩy mạnh, nhất là trong lĩnh vực đất đai, môi trường theo hướng hỗ trợ nhà đầu tư, đảm bảo nhanh, kịp thời, tránh gây phiền hà, khó khăn cho doanh nghiệp. Tỉnh cũng cần bố trí quỹ đất sạch để kêu gọi đầu tư, giúp các nhà đầu tư thuận lợi trong việc lựa chọn địa điểm và quyết định đầu tư, hạn chế tình trạng không giải phóng được mặt bằng hoặc chi phí quá cao dẫn đến kém hiệu quả khi triển khai.

Đưa ra nhiều kiến nghị nhằm kịp thời gỡ vướng cho doanh nghiệp theo hướng bảo đảm sự minh bạch, đơn giản và thuận tiện hơn trong thực hiện TTHC trong lĩnh vực đất đai, Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) Đậu Anh Tuấn cũng đề xuất, cần tiếp tục đơn giản hóa TTHC nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư trong việc tiếp cận và sử dụng đất. Không những thế, phải tạo sự đột phá trong giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất bằng cách xây dựng mô hình giải phóng mặt bằng phù hợp, tạo quỹ đất sạch cho doanh nghiệp; cố gắng duy trì tính ổn định của chính sách, có biện pháp kiểm soát hoặc điều chỉnh giá thuê đất tránh tăng quá nhanh, đột ngột; minh bạch hóa hơn nữa thông qua việc đăng tải công khai và kịp thời các quy định, quy hoạch, kế hoạch; và nhất là cần tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng nhất trí cho rằng, để tháo gỡ các vướng mắc TTHC về đất đai cho doanh nghiệp, nếu chỉ có sự vào cuộc của riêng Bộ này là chưa đủ. Bởi trên thực tế, việc thực hiện thủ tục này liên quan đến nhiều ngành, đòi hỏi sự phối hợp hiệu quả hơn của các ngành như Tư pháp, Xây dựng, UBND cấp tỉnh… theo cơ chế một cửa nhằm đơn giản hóa TTHC cũng như kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh cho doanh nghiệp để khởi nghiệp thành công.

Đọc thêm