Giải quyết tranh chấp dân sự khi một bên là hợp tác xã

(PLO) - Khi giải quyết tranh chấp dân sự mà một bên là hợp tác xã (HTX) nhưng đương sự không xác định được tình hình hoạt động của HTX, không tìm được người đại diện theo pháp luật của HTX thì xử lý như thế nào?
Giải quyết tranh chấp dân sự khi một bên là hợp tác xã

Liên quan đến vấn đề này, hướng dẫn của TANDTC nêu: tại khoản 2 Điều 97 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 quy định, Tòa án có thể tiến hành thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định tình hình hoạt động và người đại diện theo pháp luật của HTX tham gia tố tụng, tùy từng trường hợp sẽ có biện pháp xử lý cụ thể. 

Trường hợp HTX chưa bị giải thể, chưa bị tuyên bố phá sản; HTX không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 42 Luật HTX năm 2003 và khoản 2 Điều 54 Luật HTX năm 2012 thì căn cứ vào quyết định thành lập HTX, điều lệ hoạt động của HTX (nếu có) để xác định người đại diện theo pháp luật của HTX.

Nếu người đại diện theo pháp luật của HTX chết thì những xã viên còn sống (theo Luật HTX năm 2003) hoặc những thành viên HTX (theo Luật HTX năm 2012) còn sống có quyền bầu hoặc cử người đại diện tham gia tố tụng. Trường hợp không thể bầu hoặc cử người đại diện tham gia tố tụng thì Tòa án yêu cầu thành viên HTX còn sống tham gia tố tụng.

Trường hợp HTX đã bị chia, tách, thì theo quy định tại khoản 4 Điều 52 Luật HTX năm 2012 thì các HTX, liên hiệp HTX mới phải liên đới chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ của HTX bị chia, tách và là người kế thừa quyền, nghĩa vụ của HTX bị chia, tách. Người đại diện theo pháp luật của HTX, liên hiệp HTX mới sẽ tham gia tố tụng tại Tòa án.

Trường hợp HTX bị hợp nhất, sáp nhập với HTX, liên hiệp HTX khác thì người đại diện theo pháp luật của HTX, liên hiệp HTX sau khi hợp nhất, sáp nhập sẽ tham gia tố tụng.

Trường hợp HTX chưa bị giải thể, chưa bị tuyên bố phá sản nhưng thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 54 Luật HTX năm 2012 thì UBND  cùng cấp với cơ quan nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký HTX phải ra quyết định giải thể HTX đó. Tòa án yêu cầu UBND giải quyết theo thẩm quyền và căn cứ điểm d khoản 1 Điều 214 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 để ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án.

Trường hợp HTX đã có quyết định giải thể mà việc xử lý tài sản chung và vốn (Luật HTX năm 2012 gọi là tài sản không chia) của HTX được giải quyết theo Điều 36 Luật HTX năm 2003, khoản 2 Điều 48 Luật HTX năm 2012, Điều 21 Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật HTX năm 2012. Theo đó, khi giải thể HTX, một phần tài sản chung không chia được giao cho chính quyền địa phương quản lý thì người đại diện cho chính quyền địa phương (nơi quản lý tài sản của HTX) sẽ là người kế thừa quyền, nghĩa vụ của HTX và tham gia tố tụng tại Tòa án. 

Trường hợp HTX đã có quyết định tuyên bố phá sản thì việc xử lý tài sản được thực hiện theo quy định của Luật Phá sản.

Đọc thêm