Gỡ rối tơ lòng cho anh chàng muốn cưới chồng

(PLO) - Vào năm 16 tuổi, thậm chí sớm hơn nữa, chàng trai Đỗ Khắc Vinh (28 tuổi, quê Nam Định) đã nhận ra mình mang phận “thân sâu, hồn bướm”.
Gỡ rối tơ lòng cho anh chàng muốn cưới chồng

 Vinh tâm sự, mặc dù về ngoại hình và sinh lý hoàn toàn “chuẩn men” nhưng không hiểu sao từ trong sâu thẳm tâm hồn, Vinh vẫn “mặc định” mình là phái yếu và khát khao được mặc váy áo diêm dúa, điệu đà, được làm nũng, tựa vào bờ vai một đấng tùng quân.

Sau đó, bất chấp sự ngăn cản của gia đình, Vinh đã tự ý làm thủ tục cải chính hộ tịch, đổi tên là Đỗ Ngọc Linh cho thật yêu kiều, dù giới tính vẫn là nam. Sau đó cậu bắt đầu hành trình Nam tiến với mong muốn lập nghiệp ở một nơi xa lạ, cậu sẽ sống được sống thoải mái với con người thật của mình.

Vào TP HCM, Linh học nghề tại một tiệm tóc, do có năng khiếu và đam mê nên cậu thành thợ chính rất nhanh. Hiện tại Linh đã có bạn trai, anh ấy làm cùng nghề. Hai người đã tính chuyện dọn về một mối để mở tiệm, chung sống lâu dài với nhau. Cả hai đều có nghề nghiệp thu nhập ổn định nên Linh không phải lo lắng quá nhiều về kinh tế.

Tuy nhiên, theo như Linh ví von thì “Trăm năm tính cuộc vuông tròn/Phải tìm cho kỹ ngọn nguồn lạch sông” nên cậu phải tìm hiểu kỹ. Có điều ở đây, Linh không tìm hiểu kỹ về tính tình bạn trai mà muốn  tìm hiểu các quy định của pháp luật về việc hai người đồng giới sống chung để lỡ sau này “có bề gì” cũng biết mà lường trước, không bị động.

“Bọn em muốn tổ chức hôn lễ để mời người thân, bạn bè đến chung vui, công khai chuyện tình cảm cũng như con người thật của mình nhưng lại lo không biết có bị cấm đoán, xử phạt hay không? Trước khi cưới, em cũng muốn tìm hiểu các quy định của pháp luật liên quan, chẳng hạn nếu sống thử mà hợp nhau, liệu tụi em có quyền đăng ký kết hôn hay không, có thể có con chung hay không? Giả sử hết hợp rồi tan thì vấn đề về tình cảm, tài sản, con cái nếu có sẽ được giải quyết như thế nào?”- Ngọc Linh băn khoăn hỏi.  

Về những băn khoăn bạn hỏi, Luật sư tư vấn như sau: “Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 đã có một sự thay đổi lớn khi quy định Nhà nước không cấm việc kết hôn giữa những người cùng giới tính (trước đây, kết hôn giữa những người cùng giới tính là một trong các quy định cấm tại Điều 10 Luật Hôn nhân và Gia đình 2000). Tuy nhiên Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 cũng quy định rõ: pháp luật không công nhận các cuộc hôn nhân đồng giới.

Mặc dù hôn nhân đồng giới chưa được pháp luật thừa nhận nhưng đã không còn xem là hành vi vi phạm pháp luật. Nghĩa là các bạn có quyền tổ chức đám cưới công khai mà không bị chính quyền nhắc nhở, xử phạt như một số trường hợp đã xảy ra trước kia.

Tuy nhiên, do các bạn không đủ điều kiện kết hôn theo luật nên không thể tiến hành đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền, nói tóm lại mặc dù có hai người đồng giới có tổ chức đám cưới và chung sống với nhau, coi nhau là “vợ chồng” nhưng sẽ không thể có một cuộc hôn nhân hợp pháp.

Về vấn đề con cái, tất nhiên hai bạn sẽ không thể có con chung là con đẻ. Và hai người cũng không thể nhận nuôi con chung vì chủ thể được quyền nhận con nuôi theo quy định của Luật Nuôi con nuôi hiện hành chỉ có thể là cá nhân hoặc hai người là vợ chồng hợp pháp kèm theo một số điều kiện mà pháp luật quy định.

Về vấn đề tài sản, nếu quá trình chung sống hai người có tài sản chung, khi chia tay hai người sẽ tự thỏa thuận với nhau, nếu không thỏa thuận sẽ giải quyết bằng con đường tố tụng dân sự theo nguyên tắc giải quyết tài sản thuộc sở hữu chung. 

Đọc thêm