Gỡ “vướng” một số quy định về hoãn thi hành án

(PLO) -Pháp luật về THADS hiện hành đã quy định rõ các trường hợp mà Thủ trưởng cơ quan THADS ban hành quyết định hoãn thi hành án. Tuy nhiên, thực tế tổ chức thi hành án cho thấy các địa phương vẫn gặp những vướng mắc trong xác định đúng trường hợp được hoãn thi hành án, cần được cơ quan cấp trên tháo gỡ.
Một số địa phương lúng túng không rõ cơ quan THADS phải hoãn thi hành án hay tiếp tục xử lý tài sản trong trường hợp chưa xác định được người thừa kế
Một số địa phương lúng túng không rõ cơ quan THADS phải hoãn thi hành án hay tiếp tục xử lý tài sản trong trường hợp chưa xác định được người thừa kế

Điểm g Khoản 1 Điều 48 Luật THADS đã quy định về hoãn thi hành án trong trường hợp: Việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ thi hành án theo quy định tại Điều 54 của Luật này chưa thực hiện được vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan. Còn Khoản 2 Điều 54 Luật THADS quy định: Trường hợp người được thi hành án, người phải thi hành án là cá nhân chết thì quyền, nghĩa vụ thi hành án được chuyển giao cho người khác theo quy định của pháp luật về thừa kế.

Hướng dẫn cụ thể các quy định trên, Điểm a Khoản 3 Điều 4 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP nêu một trong những sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan là đương sự chết mà chưa xác định được người thừa kế. Tuy nhiên, điểm b khoản 1 Điều 15 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP lại quy định: Trường hợp chưa xác định được người thừa kế thì cơ quan THADS thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết tại nơi có tài sản, trụ sở UBND cấp xã nơi có tài sản trong thời gian 03 tháng, kể từ ngày thông báo, niêm yết để người thừa kế biết, liên hệ và thực hiện nghĩa vụ thi hành án của người phải thi hành án để lại. Hết thời hạn này mà không có người khai nhận thừa kế thì cơ quan THADS xử lý tài sản để thi hành án.

Như vậy, các quy định của pháp luật trong trường hợp này là chưa thống nhất với nhau. Một số địa phương lúng túng không rõ cơ quan THADS phải hoãn thi hành án hay tiếp tục xử lý tài sản trong trường hợp chưa xác định được người thừa kế. 

Trong trường hợp chưa xác định được người thừa kế, Tổng cục THADS nhấn mạnh cơ quan THADS phải ra quyết định hoãn thi hành theo điểm g khoản 1 Điều 48 Luật THADS. “Vì trong trường hợp không xác định được người thừa kế, cơ quan THADS không thể chuyển giao quyền và nghĩa vụ thi hành án, nhất là nếu phải áp dụng biện pháp cưỡng chế thì trên thực tế không thể áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với người đã chết” – Tổng cục THADS lý giải.

Bên cạnh đó, địa phương cũng vướng mắc trong một số trường hợp mà Tòa án thụ lý giải quyết theo Điều 75 Luật THADS như tài sản thế chấp đã được bản án, quyết định của Tòa án tuyên xử lý để đảm bảo việc thi hành án, Tòa án thụ lý yêu cầu của người thứ ba khởi kiện tranh chấp về quyền sở hữu tài sản thì có hoãn thi hành án hay không? Ngoài ra, tài sản được xác định của người phải thi hành án, cơ quan THADS đã thực hiện việc kê biên, bán đấu giá thành, Tòa án thụ lý yêu cầu của người thứ ba khởi kiện tranh chấp về quyền sở hữu tài sản thì có hoãn giao tài sản cho người mua trúng đấu giá hay không? 

Tháo gỡ cho các địa phương, Tổng cục THADS cho biết, đối với trường hợp bản án, quyết định của Tòa án tuyên xử lý tài sản thế chấp để đảm bảo việc thi hành án nhưng trong quá trình tổ chức thi hành án nếu có người thứ ba tranh chấp về quyền sở hữu, sử dụng tài sản thì cơ quan THADS không hoãn thi hành án (việc xử lý tài sản trong trường hợp này được thực hiện theo phán quyết của Tòa án). Do đó, cơ quan THADS chỉ hoãn việc thi hành án trong trường hợp Tòa án có yêu cầu. 

Trường hợp tài sản đã bán đấu giá thành, theo quy định tại khoản 3 Điều 71 Luật THADS thì chấp hành viên chỉ tiến hành kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án. Bởi thế, về nguyên tắc cơ quan THADS chỉ tiến hành kê biên khi có căn cứ pháp luật (như giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản) xác định hoặc chứng minh tài sản đó là của người phải thi hành án. Vì vậy, theo quy định của Điều 75 Luật THADS nếu có tranh chấp về quyền sở hữu thì cơ quan THADS thông báo cho người đó tranh chấp biết trong thời hạn 30 ngày để khởi kiện ra Tòa án. Hết thời hạn nếu không có ai khởi kiện thì chấp hành viên tiếp tục xử lý tài sản.

Trong quá trình cơ quan THADS xử lý tài sản nếu Tòa án thụ lý tranh chấp liên quan đến tài sản cưỡng chế thì cơ quan THADS ra quyết định hoãn thi hành án theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 48 Luật THADS. Trường hợp tài sản đã bán đấu giá thành Tòa án mới thụ lý việc tranh chấp quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản đã bán đấu giá thành thì cơ quan THADS không hoãn thi hành án và tiếp tục tổ chức giao tài sản cho người mua trúng đấu giá theo quy định tại Điều 103 Luật THADS, Điều 113 Bộ luật Dân sự và Điều 7 Luật Đấu giá tài sản. 

Đọc thêm