Gỡ vướng trong thực tiễn áp dụng pháp luật về hợp đồng

(PLO) -Tại TP HCM, Bộ Tư pháp vừa tổ chức tọa đàm về thực tiễn áp dụng pháp luật về hợp đồng và giải quyết tranh chấp bằng phương thức hòa giải, trọng tài. Đây là tọa đàm nằm trong chuỗi hoạt động nhằm hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam.
Quang cảnh buổi tọa đàm
Quang cảnh buổi tọa đàm

Chủ trì toạ đàm có ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự- Kinh tế, Bộ Tư pháp; bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh; bà TSHUKABE Takako, Cố vấn trưởng Dự án JICA.

Chia sẻ tại toạ đàm, Công chứng viên Nguyễn Văn Hòa (Phòng Công chứng số 1, TP HCM) đưa ra ý kiến đánh giá pháp luật về hợp đồng dựa trên thực tiễn hoạt động hành nghề công chứng. Trong quá trình hoạt động có không ít bất cập, đặc biệt trong hợp đồng thế chấp tài sản.

Một ví dụ, Điều 405 Bộ luật Dân sự 2015 quy định Hợp đồng theo mẫu phải được công khai để bên được đề nghị biết hoặc phải biết về những nội dung của hợp đồng. Việc công khai theo như quy định trên thì đương nhiên các tổ chức tín dụng luôn đảm bảo, đặc biệt nếu hợp đó có công chứng thì với trình tự thủ tục công chứng hợp đồng luôn yêu cầu các bên thể hiện sự đồng thuận, chấp thuận của mình khi ký kết, thường thì công chứng viên yêu cầu ghi vào nội dung “Chúng tôi/tôi đã đọc và đồng ý” để thể hiện ý chí của mình khi ký kết.

Nhưng, với các điều khoản theo mẫu mà tổ chức tín dụng chuẩn bị sẵn, soạn thảo sẵn thì thực tế gần như bên thế chấp không có cơ hội thay đổi hoặc sửa đổi, bổ sung. Họ chỉ còn lựa chọn là chấp nhận ký kết hay không chấp nhận. Và, những chủ thể từ chối ký kết là rất ít, có chăng, đó là các doanh nghiệp lớn, các “đại gia” mới có cơ hội thỏa thuận nội dung hợp đồng với bên nhận thế chấp, bên cho vay.

Theo ông Hoà, thời gian dài trước đây và hiện nay vẫn còn một số tổ chức tín dụng khi ký kết hợp đồng thế chấp, bên nhận thế chấp yêu cầu bên thế chấp ký thêm một hợp đồng nữa là Hợp đồng ủy quyền để Ngân hàng xử lý tài sản với tư cách là bên được ủy quyền, đại diện chủ tài sản “bán, chuyển nhượng…”, “kể cả tự quyết định chọn người mua và giá cả”. Và, nội dung ủy quyền này họ cũng đưa trực tiếp vào hợp đồng thế chấp. Đề xuất được đưa ra là Ngân hàng Nhà nước nên yêu cầu các tổ chức tín dụng thống nhất biểu mẫu và công bố hợp đồng mẫu của tổ chức mình để khách hàng có cơ hội lựa chọn. Cạnh đó, nên thống nhất thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở cùng với thời điểm chuyển quyền sử dụng đất để các bên chủ động thỏa thuận phương thức thanh toán cho phù hợp. 

Còn theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Hội Trọng tài thương mại TP HCM, còn mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định của luật chuyên ngành với Bộ luật Dân sự năm 2015. Pháp luật hợp đồng Việt Nam còn quy định quá nhiều trường hợp hợp đồng phải tuân thủ điều kiện về hình thức văn bản hợp đồng. Điều này đã làm hạn chế phần nào quyền tự do lựa chọn hình thức hợp đồng. Cạnh đó còn khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định về lãi suất và phạt vi phạm hợp đồng, trong mua bán hàng hoá quốc tế... được Luật sư Hậu chỉ ra. 

PGS.TS Đỗ Văn Đại, Trung tâm Trọng tài VIAC thì đưa ra nhiều phân tích về bất cập và hướng hoàn thiện xuất phát từ người vận dụng pháp luật. Theo ông Đỗ Văn Đại, từ phía toà án, bất cập tồn tại ở cách hiểu còn khác nhau về trọng tài và việc chưa tuân thủ thời hạn luật định. Từ phía thi hành án, vướng mắc xuất phát từ việc có người của Cơ quan thi hành án đã đặt thêm một thủ tục gây cản trở việc thực thi.

Ông Đại đặt ra vấn đề về bình đẳng hóa đối tượng đảm nhiệm việc thi hành, việc ghi nhận thêm vai trò của Thừa phát lại sẽ tạo ra sự linh hoạt trong việc thực thi phán quyết trọng tài, tạo ra sự bình đẳng giữa phán quyết trọng tài và quyết định của Tòa án để từ đó tạo thêm niềm tin cho người quan tâm tới phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. 

Đọc thêm