Hàng trăm phụ nữ là người dân tộc thiểu số được trợ giúp pháp lý

(PLO) - Thực hiện kế hoạch truyền thông và trợ giúp pháp lý (TGPL) cho hội viên phụ nữ, trong tháng 7/2018, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Kiên Giang về các xã, ấp đặc biệt khó khăn của huyện An Biên, U Minh Thượng, Giang Thành và Kiên Lương để phổ biến và tư vấn pháp luật cho hàng trăm phụ nữ là người dân tộc thiểu số.
Hình minh họa
Hình minh họa

Trong chương trình truyền thông và TGPL, chị em phụ nữ được phổ biến các kiến thức pháp luật về phòng, chống mua bán người, xâm hại tình dục trẻ em, pháp luật về TGPL và những kiến thức pháp luật khác có liên quan trực tiếp đến đời sống hàng ngày mà người dân đang cần như đất đai, thừa kế… Hình thức truyền đạt được thực hiện trực tiếp, báo cáo viên đã khéo lồng ghép các câu chuyện pháp lý thực tế sống động với kiến thức pháp luật nên rất dễ hiểu, dễ nhớ và thu hút người nghe.

Kết hợp với hình thức truyền thông, hội viên còn được các Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm TGPL Nhà nước và luật sư của Hội Luật gia tỉnh tư vấn “gỡ rối” những khó khăn, vướng mắc về pháp luật mà họ gặp phải. Chị Thị Thanh K là người dân tộc Khmer ở xã Nam Thái huyện An Biên đang là người trực tiếp chăm sóc mẹ già.

Thấy con gái còn nhiều khó khăn, bà dự định lập di chúc để lại phần đất hiện đang ở cho con nhưng bị các anh ngăn cản. Đây chỉ là một tình huống trong nhiều tình huống mà chúng tôi thường gặp trong đợt truyền thông và TGPL cho chị em phụ nữ. Các vướng mắc pháp luật được Trung tâm TGPL Nhà nước tư vấn tại chỗ tận tình, chu đáo. Chị K thì được hướng dẫn lập di chúc có chứng thực, không cần sự đồng ý và ký tên của các anh.

Anh Danh Đ, một người dân tộc Khmer ở ấp Minh Cường xã Minh Thuận mà chúng tôi có dịp tư vấn trong một chuyến TGPL lưu động trước đây. Năm 1981 anh Đ nhập ngũ chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Xuất ngũ về địa phương, đến năm 2013 nghe chính quyền thông báo, anh Đ đi làm thủ tục hưởng chế độ quân nhân làm nghĩa vụ quốc tế.

Tuy nhiên, sau nhiều năm đi lại, anh Đ vẫn chưa hoàn tất thủ tục để được hưởng chế độ vì hộ khẩu và CMND đều có năm sinh là 1970. Nhiều lần anh Đ đem phiếu xuất ngũ đã bị mối ăn nham nhở chỉ còn họ tên và số năm tại ngũ (4 năm, 10 tháng) đến gõ cửa các cơ quan, chứng minh tuổi thật của mình sinh năm 1963 nhưng đều vô vọng. Không biết chữ, chính quyền địa phương cũng hết  cách giúp anh Đ?

Lần này trở lại ấp Minh Cường, hỏi thăm trường hợp anh Đ mà chúng tôi đã tư vấn làm và cải chính Giấy khai sinh, chỉnh sửa hộ khẩu, cấp lại CMND để làm chế độ theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 09/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ thì Trưởng ấp cho biết, quyền lợi của anh đã được giải quyết. Có lẽ, đây là một trong những  động lực để chúng tôi có nhiều chuyến đi về cơ sở hơn nữa.

Đọc thêm