Hát karaoke gây ồn ào nhà hàng xóm, giải quyết như thế nào?

(PLO) - Với nhiều người, buổi trưa, buổi tối là lúc nghỉ ngơi, sum họp gia đình nhưng rất tiếc, khoảnh khắc đó thường xuyên bị tra tấn bởi âm thanh của những ca sĩ karaoke “bất đắc dĩ”. Nói ra thì ngại vì làm mất lòng hàng xóm, phát sinh mâu thuẫn, còn không nói thì bực bội, ức chế  trong lòng. Mà đưa nhau ra pháp luật thì rắc rối, phiền toái, mất thời gian và có khi còn phức tạp hơn.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chỉ biết mình, không biết người

Chị Đinh Thị Vang (TP Rạch Giá – Kiên Giang) phản ánh: Khu phố tôi trước đây vốn rất yên tĩnh, nhưng gần đây, nhà chị Th mới mua dàn máy karaoke và loa công suất lớn. Chị Th rất thích rủ bạn bè về nhà mình để ăn nhậu và hát, có khi hát đến 12 giờ đêm, gây ồn ào, ảnh hưởng đến việc học hành của trẻ nhỏ và cuộc sống bình thường của bà con lối xóm.

Anh K nhà ở sát bên đã nhiều lần đề chị Th giảm bớt âm thanh, nghỉ trước 22h đêm nhưng chị Th không nghe và còn nói “nhà tôi, tôi có quyền làm gì thì làm”. Vì vậy, hai bên phát sinh mâu thuẫn. Một thời gian sau, vợ chồng anh K mua về một dàn karaoke công suất rất lớn gần gấp đôi nhà chị Th và “cuộc chiến”  âm thanh đã nổ ra giữa hai gia đình. Từ đó đến nay khu phố của tôi đã không còn yên tĩnh như xưa. 

Thực trạng hiện nay, không ít  dàn nhạc trong các đám tiệc hay karaoke của hộ gia đình mở công suất quá lớn, gây ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của các hộ dân trong khu vực. Chuyện này nhiều khi cũng khó. Nói ra thì ngại làm mất lòng hàng xóm, phát sinh mâu thuẫn, không nói thì bực bội tức tối trong lòng, ức chế…, mà đưa nhau ra pháp luật thì rắc rối, phiền toái, mất thời gian và có khi còn phức tạp hơn.

Do vậy, về nguyên tắc đạo đức trong cuộc sống hàng ngày đó là vì lợi ích của mình nhưng đừng làm ảnh hưởng đến lợi ích của người khác, đặt mình vào vị trí của người khác mà xử sự cho đúng mực.

Xử lý khó khăn, nhắc nhở là chính 

Có nhiều cách giải quyết, từ đơn giản tới phức tạp. Thứ nhất, nhờ tổ nhân dân tự quản đưa ra góp ý chung trong buổi sinh hoạt. Thứ hai, làm đơn đề nghị tổ hòa giải của khu phố hòa giải, hoặc phản ánh với lãnh đạo, đoàn thể khu phố động viên, giáo dục họ chấp hành pháp luật, báo trước cho họ đã vi phạm pháp luật có thể sẽ bị xử lý. Thứ ba, nếu giải quyết ở khu phố không có kết quả, bạn có quyền làm đơn gửi đến UBND để giải quyết. Khi họ đang vi phạm thì báo ngay cho Công an phường để xuống lập biên bản vi phạm hành chính. 

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy, phòng, chống bạo lực gia đình: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi “gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau”.

Nếu không xử phạt về hành vi nêu trên, người có thẩm quyền có thể xem xét xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 17 Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 Quy định về xử phạt vi phạm hành chính  trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, kèm theo hình phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền (từ 01 triệu đến 160 triệu đồng) là biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc giảm thiểu tiếng ồn đạt quy chuẩn kỹ thuật trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định; buộc chi trả kinh phí giám định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm môi trường. 

Đọc thêm