Hết tháng 5, sẽ hoàn thành hệ thống văn bản về Luật Quản lý, sử dụng tài sản công

(PLO) -Trả lời báo PLVN tại buổi học báo chuyên đề về tình hình triển khai Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (TSC) và các văn bản quy định chi tiết thi hành chiều nay, 17/5, ông Nguyễn Tân Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính khẳng định từ giờ đến hết tháng 5, hệ thống văn bản về vấn đề này sẽ hoàn thiện…
Quang cảnh buổi họp báo
Quang cảnh buổi họp báo

Luật Quản lý, sử dụng TSC được Quốc hội khóa XIV thông qua tháng 6/2017 và có hiệu lực từ 1/1/2018.

Để hướng dẫn thi hành Luật Quản lý, sử dụng TSC; thực hiện nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Tài chính đã chủ trì xây dựng 12 văn bản (11 Nghị định của Chính phủ và 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ). 

Trong số 12 văn bản đó, có 6 Nghị định và 1 quyết định được Chính phủ ban hành trước thời điểm Luật có hiệu lực thi hành  và  5 Nghị định mới được bàn hành trong tháng 3/2018.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đã ban hành 3 Thông tư hướng, trong đó có 2 Thông tư mới được ban hành trong tháng 4 và 5/2018.

“Như vậy khối lượng văn bản ban hành cấp Chính phủ và Bộ khá lớn. Do các nội dung  được quy định khá rõ trong văn  bản luật và Nghị định nên Thông tư  ban hành không nhiều…”- Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản giải thích.

Về triển khai Luật Quản lý, sử dụng TSC, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản cho biết có 45 địa phương đã tổ chức đầu mối cử Cán bộ, công chức tham gia. Đến nay, có 2 quy định về phân cấp được bạn hành là của Bộ Tài chính và HĐND tỉnh Sơn La; Quy định về tiêu chuẩn định mức sử dụng máy móc chuyên dùng cũng mới có Bộ Tài chính và UBND tỉnh Bắc Cạn ban hành. “Việc ban hành quy định phân cấp ở các địa phương có khó khăn vì thông thường, kỳ họp HĐND tổ chức sau kỳ họp Quốc hội, khoảng cuối tháng 6, đầu tháng 7, khi đó mới được HĐND thông qua. Theo tôi biết, cơ bản nhiều địa phương đã lấy xong ý kiến và trình sang HĐND…”- Ông Tịnh cho hay.

Không trả lời cụ thể phải có bao nhiêu Nghị định Thông tư phải tiếp tục ban hành để hướng dẫn Luật, ông Thịnh  đánh giá, quá trinh triển khai, các Bộ ngành, địa phương khá tích cực, tuy nhiên vẫn chưa  thời  nên có khó khăn nhất định. Ví dụ các quy định về định mức chuyên dùng…

Đối với các văn bản do Bộ Tài chính chủ trì  xây dựng, ông Thịnh cho biết còn 3 Nghị định nữa:  Nghị định quy định về định mức tiêu chuẩn xe ô tô công (Bộ đã xin ý kiếm của Ủy ban thường vụ quốc hội và mới nhận được văn bản): Nghị định về Quản lý tài sản trong lĩnh vực KH&CN (đây là vấn đề mới, Chính phủ đang cân nhắc) và  Nghị định sử dụng tài sản công theo hình  thức đối tác công tư (Bộ đã hoàn thiện Dự thảo trình Chính phủ)

“Từ giờ đến hết tháng 5 hệ thống văn bản sẽ cơ bản hoàn thiện. Thực ra có những văn bản Bộ Tài chính đã chuẩn bị từ cuối năm  2017…”- Phó Cục trưởng Cục Quản lý Công sản khẳng định.

Đối với văn bản do Bộ Quóc phòng, Bộ Công an xây dựng, ông Thịnh cho biết văn bản của Bộ Quốc phòng đã ký còn văn bản của Bộ Công an cũng chỉ trong nay mai.

Bên cạnh việc hoàn thiện văn bản pháp luật, đại diện Cục quản lý công sản cũng cho biết,  Cơ sở dữ liệu quốc gia về TSC và Hệ thống giao dịch điện tử về TSC cũng đang được nâng cấp nhằm , bảo đảm thông tin về tài sản được đầy đủ, kịp thời, chính xác phục vụ trực tiếp công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành...

Xe ô tô biếu tặng Nhà nước sẽ phải định giá theo giá thị trường

Trao đổi với báo chí, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Công sản, ông Nguyễn Tân Thịnh, cho biết, về việc nhận các tài sản biếu tặng của cá nhân, DN, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo các bộ ngành địa phương theo hướng không tiếp nhận các loại tài sản này, đặc biệt là các loại tài sản có giá trị cao như xe ô tô.

Tuy nhiên theo quy định của Nghị định 29 thì đối với các loại quà tặng là tài sản xác lập quyền sử dụng toàn dân nói chung và các loại tài sản biếu tặng nói riêng thì trước khi trình cơ quan, người có thẩm quyền quyết định giao cho một đơn vị nào đó sử dụng, bắt buộc phải thành lập hội đồng thẩm định giá để xác định giá trị của tài sản đó sát với giá thị trường.

Ông Thịnh ví dụ, giá trị một xe ô tô được thể hiện trên hóa đơn là 1,1 tỷ đồng nhưng khi định giá lại theo giá thị trường thì lên đến 3 tỷ đồng. Từ đó, sẽ căn cứ vào mức giá 3 tỷ đồng để xác định giá trị của chiếc xe, chứ không căn cứ trên giá trị hóa đơn như thời gian vừa qua.

"Việc định giá lại giá trị tài sản theo giá thị trường sẽ khắc phục được việc các cơ quan đơn vị tiếp nhận tài sản sang quá mức so với tiêu chuẩn chung", ông Thịnh nhận định.

Đọc thêm