Hồ sơ thanh toán chênh lệch chi phí khám bệnh BHYT

(PLO) - Hỏi: Tôi làm thủ tục thanh toán lại phần chi phí khám bệnh vượt quá 6 tháng lương cơ sở trong năm. Theo quy định của cơ quan BHXH, tôi phải cung cấp hóa đơn gốc của bệnh viện. Hiện tôi mua thêm bảo hiểm sức khỏe của một công ty bảo hiểm khác và công ty cũng yêu cầu phải có hóa đơn gốc. Vậy, tôi phải làm thế nào để được thanh toán ở 2 nơi cơ quan BHXH và công ty bảo hiểm?

- BHXH TP. Hà Nội trả lời: Căn cứ Điều 15 Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014 của Liên Bộ Y tế, Tài chính; Điểm 2, Điều 16 Quyết định số 1399/QĐ-BHXH; Điều 2 Quyết định số 919/QĐ- BHXH, Quyết định số 1399/QĐ-BHXH và Quyết định số 488/QĐ-BHXH của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, hồ sơ đề nghị thanh toán trực tiếp chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT bao gồm: Các thủ tục giấy tờ theo quy định tại Điều 8 Thông tư 41/2014/TTLT-BYT-BTC; Giấy ra viện; Bản chính các chứng từ hợp lệ (hóa đơn mua thuốc, hóa đơn thu viện phí và các chứng từ có liên quan). Theo quy định tại Mục 4 Công văn số 4262/BHXH-CSYT ngày 28/10/2016 của BHXH Việt Nam, người bệnh được thanh toán lại phần chênh lệch vượt quá 6 tháng lương cơ sở (7.260.000 đồng) và được cấp giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm kể từ thời điểm nhận hồ sơ đề nghị của người bệnh. Như vây, BHXH TP. Hà Nội giữ hóa đơn bản chính của bệnh nhân để làm căn cứ thanh toán phần chênh lệch vượt quá 6 tháng lương cơ sở theo đúng quy định.

Hỏi: Con tôi sinh ngày 6/9/2009, nhập viện điều trị từ ngày 16 đến ngày 24/8/2016. Vậy, con của tôi có được tính là trẻ dưới 7 tuổi để tôi có thể hưởng chế độ nghỉ việc chăm con ốm không?

- BHXH TP. Hà Nội trả lời: Theo Khoản 2, Điều 25 Luật BHXH số 58/2014/QH13, điều kiện hưởng chế độ ốm đau là người lao động phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 7 tuổi bị ốm đau và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Trường hợp ông Huy hỏi, con ông sinh ngày 6/9/2009 đến 6/9/2016 là tròn 7 tuổi. Như vậy, con ông nằm viện từ ngày 16/8/2016 đến ngày 24/8/2016 ông vẫn đủ điều kiện thanh toán chế độ con ốm theo quy định.

Hỏi: Tôi sinh con vào ngày 4/3/2016 và không đóng BHXH từ tháng 3/2016. Giữa tháng 3/2016, tôi đã nộp đầy đủ giấy tờ để hưởng chế độ thai sản tại nơi làm việc. Tháng 9/2016, hết thời gian nghỉ sinh, nhưng đến nay vẫn chưa được nhận chế độ thai sản. Hết thời gian nghỉ sinh tôi xin nghỉ việc và chốt sổ BHXH nhưng được cơ quan BHXH trả lời, phải đóng tiếp BHXH 1 tháng nữa rồi mới có thể làm thủ tục chốt sổ BHXH. Như vậy có đúng không? Hết thời gian nghỉ thai sản tôi nghỉ việc luôn thì có được hưởng trợ cấp thất nghiệp không?

- BHXH TP. Hà Nội trả lời: Bà không nói rõ nơi đang đóng BHXH, đơn vị bà đã lập hồ sơ thanh toán chế độ cho bà từ khi nào, vì vậy không có đủ căn cứ để trả lời chính xác câu hỏi của bà. Tuy nhiên, căn cứ Điều 102 Luật BHXH về giải quyết chế độ ốm đau, thai sản thì trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ và nộp cho cơ quan BHXH. Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc, người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ giải quyết chế độ theo quy định cho người sử dụng lao động. Nếu quá thời hạn trên mà chưa được giải quyết bà có thể gửi Công văn kiến nghị đến BHXH quận, huyện nơi đơn vị bà đóng bảo hiểm hoặc các cơ quan có thẩm quyền khác. 

Hỏi: Tôi tham gia BHXH tại Hà Nội, nhưng giờ tôi muốn nhận BH thất nghiệp tại quận tân bình, TP. Hồ Chí Minh được không? Tôi chưa lấy được sổ bảo hiểm.

- BHXH Hà Nội trả lời: Theo Quy định tại Khoản 1 Điều 17 Nghị định số 28/215/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính Phủ về quy định chi tiết thì hành một số điều của Luật Việc làm về Bảo hiểm thất nghiệp và theo Điều 16 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 quy định hồ sơ đề  nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp thì chị có thể nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh nhưng phải có sổ BHXH mới nộp được hồ sơ.

Đọc thêm