​Hoạt động báo chí, xuất bản: Kiến nghị xem xét nhiều quy định xử phạt chưa phù hợp

(PLO) - Một số hành vi vi phạm có bản chất “tư” và nên được điều chỉnh bằng pháp luật tư, mức xử phạt tương đương cho các hành vi có tính chất nguy hiểm khác nhau hoặc khung xử phạt khác nhau cho các hành vi vi phạm tương tự nhau là những nội dung được kiến nghị xem xét điều chỉnh tại Dự thảo Nghị định quy định xử phạt hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

“Hành vi có bản chất là “tư” và nên được điều chỉnh bằng pháp luật tư”

Đó là quan điểm của doanh nghiệp, hiệp hội được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổng hợp trong văn bản góp ý Dự thảo Nghị định gửi tới Bộ Thông tin và Truyền thông. Theo phân tích của VCCI, pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính xác định “vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước” (Khoản 1 Điều 2 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012). Điều này đồng nghĩa với việc những vi phạm trong mối quan hệ pháp luật tư sẽ không thể là đối tượng của biện pháp xử lý hành chính, vì vậy cũng không thể thuộc phạm vi điều chỉnh của các văn bản về xử lý vi phạm hành chính.

Rà soát Dự thảo, VCCI nhận thấy một số hành vi vi phạm có bản chất là “tư” và nên được điều chỉnh bằng pháp luật tư thay vì xử phạt vi phạm hành chính.

Ví dụ, Dự thảo quy định xử phạt đối với hành vi “Để lộ, lọt nội dung tác phẩm, tài liệu xuất bản trước khi phát hành làm ảnh hưởng đến quyền lợi của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả” (điểm b khoản 2 Điều 22). Quy định này được suy đoán, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả. Tuy nhiên, hiện tại theo quy định của pháp luật dân sự và pháp luật sở hữu trí tuệ, trong các trường hợp này, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả có thể bảo vệ được quyền lợi của mình thông qua các quy định của hệ thống pháp luật tư (khởi kiện ra tòa án để yêu cầu bồi thường). Chú ý là trường hợp này hệ quả là “ảnh hưởng đến quyền lợi của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả”, tức là các quyền “tư” ở phạm vi hẹp, không phải trật tự xã hội hay lợi ích công cộng đáng kể cần được bảo vệ bằng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính. Do đó, Dự thảo xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi này là chưa phù hợp.

Đề nghị xem xét tương tự cũng được đưa ra đối với các hành vi: “Giao kết hợp đồng in xuất bản phẩm với cơ sở in không có giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm” (điểm I khoản 3 Điều 22); “Sử dụng hình ảnh cá nhân trong xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của người đó, trừ các trường hợp pháp luật có quy định khác” (khoản 2 Điều 23); “Liên kết xuất bản tác phẩm, tài liệu nhưng không được sự đồng ý bằng văn bản của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả” (điểm c khoản 4 Điều 26); “đặt in, in lậu, in trái phép, in các sản phẩm in không phải là xuất bản phẩm nhưng không được sự đồng ý của chủ sở hữu hoặc cá nhân, tổ chức sử dụng sản phẩm in” (điểm b khoản 5 Điều 29); “Liên kết xuất bản phẩm nhưng hợp đồng liên kết không đầy đủ nội dung theo quy định” (điểm b khoản 1 Điều 26); “Liên kết xuất bản phẩm nhưng không có hợp đồng liên kết” (điểm a khoản 4 Điều 26); “Hợp đồng in, phiếu đặt in không có đầy đủ thông tin theo mẫu quy định” (điểm c khoản 1 Điều 28); “In các sản phẩm in nhưng không có hợp đồng in theo quy định” (điểm a khoản 3 Điều 28); “In sản phẩm không phải xuất bản phẩm vượt quá số lượng ghi trong hợp đồng hoặc giấy phép in gia công cho nước ngoài từ 100 thành phẩm đến dưới 300 thành phẩm” (điểm b khoản 2 Điều 30).

“Để đảm bảo tính thống nhất và hợp lý, đề nghị Ban soạn thảo bỏ các quy định được nêu ở trên” – văn bản của VCCI nêu rõ.

Quy định xử không thống nhất

Qua rà soát, các chuyên gia pháp luật của VCCI cũng nhận thấy, Dự thảo Nghị định vẫn tồn tại quy định mức xử phạt tương đương cho các hành vi có tính chất nguy hiểm khác nhau. Ví dụ, điểm c khoản 1 Điều 20 Dự thảo quy định xử phạt đối với hành vi “không xây dựng quy trình quản lý thông tin công cộng hoặc quy trình quản lý thông tin công cộng không đáp ứng yêu cầu xác định phạm vi nguồn thông tin khai thác, cơ chế quản lý, kiểm tra thông tin trước và sau khi đăng tải…” trong cùng một khung xử phạt là chưa hợp lý, bởi vì “hành vi không xây dựng quy trình” và hành vi có xây dựng nhưng chưa đáp ứng yêu cầu có tính chất, mức độ vi phạm khác nhau (về yếu tố lỗi, mức độ tác động hành vi).

Quy định khung xử phạt khác nhau cho các hành vi vi phạm tương tự nhau tồn tại tại các điều khoản liên quan đến Vi phạm quy định về giấy phép (Điều 5). Điểm a khoản 1 Điều 5 Dự thảo quy định xử phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi “hoạt động thông tin báo chí không đúng mục đích, chương trình đã được ghi trong giấy phép”. Điểm a khoản 2 Điều 5 Dự thảo quy định xử phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi “thực hiện không đúng quy định ghi trong giấy phép”.

Theo nhận định của VCCI, hành vi tại điểm a khoản 1 đã chồng lấn với hành vi quy định tại điểm b khoản 2 vì đều là hành vi “thực hiện không đúng quy định ghi trong giấy phép”. Như vậy, hành vi quy định tại điểm a khoản 1 cũng có thể được xử phạt tại khung xử phạt quy định tại khoản 2 Điều 5 Dự thảo. Điều này là chưa hợp lý và tạo ra sự tùy tiện trong xác định mức xử phạt đối với hành vi vi phạm.

Đây là thực trạng cũng đang tồn tại tại các điều khoản liên quan đến hành vi vi phạm quy định về lưu chiểu sản phẩm báo chí (Điều 14), hành vi tẩy xóa giấy phép (Điều 31, Điều 32), hành vi không đề nghị cấp lại giấy phép khi bị mất, bị hư hỏng (điểm c khoản 1 Điều 21; điểm c khoản 2 Điều 32)...

Đọc thêm