Hoạt động mua bán nợ, nên hạn chế hay khuyến khích?

(PLO) - Nhiều ý kiến cho rằng, không nên coi dịch vụ mua bán nợ là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, bởi “nợ” là loại hàng hóa đặc biệt và không phải ai cũng muốn mua vì đòi nợ chưa khi nào là dễ dàng cả. Vì vậy, việc một chủ thể đứng ra chấp nhận mua một khoản nợ, chấp nhận những rủi ro về mình thì tại sao lại phải ràng buộc quá nhiều điều kiện để họ có thể mua được khoản nợ đó?
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nợ là một loại “hàng hóa” để mua bán thông thường?

Trước đây, khi góp ý việc xây dựng Nghị định sửa đổi về điều kiện kinh doanh thuộc quản lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, về kinh doanh dịch vụ mua bán nợ tại Nghị định 69/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện đăng ký kinh doanh các dịch vụ mua bán nợ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã cho rằng không nên xác định dịch vụ mua bán nợ là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. 

Bởi lẽ, theo khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư 2014 thì điều kiện kinh doanh được áp dụng đối với các ngành nghề nhất định “vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng”. 

Mua, bán nợ được xác định là việc bên bán nợ chuyển giao quyền chủ nợ của khoản nợ cho bên mua nợ và nhận thanh toán bằng tiền từ bên mua nợ. Như vậy, mua bán nợ là giao dịch, trong đó các quyền và nghĩa vụ đối với một khoản nợ được chuyển từ chủ thể này sang chủ thể khác. “Nợ” trong trường hợp này bao gồm tất cả các khoản nợ hình thành trong các giao dịch khác nhau, và vì thế trong giao dịch mua bán nợ, đây là chỉ là một loại “hàng hóa” để mua bán thông thường. 

Chủ thể của giao dịch mua bán nợ trong trường hợp này có thể là bất kỳ chủ thể kinh doanh nào, trừ các chủ thể chuyên nghiệp như các tổ chức tín dụng, các công ty chứng khoán… Toàn bộ giao dịch không làm thay đổi nghĩa vụ trả nợ hay khoản nợ, mà chỉ thay đổi chủ thể thực hiện nghĩa vụ đó. Như vậy, cả chủ thể giao dịch lẫn đối tượng giao dịch đều không có ảnh hưởng nào tới các lợi ích công cộng được liệt kê trong khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư.

VCCI lưu ý, Luật Đầu tư nêu Danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhưng lại giao Chính phủ quy định cụ thể về các nội dung liên quan – điều này có thể được hiểu là chỉ những ngành nghề được nêu trong Danh mục tại Luật Đầu tư mới có thể được quy định điều kiện kinh doanh, nhưng không có nghĩa là cứ có tên trong Danh mục thì phải quy định điều kiện kinh doanh, có quy định hay không, quy định như thế nào tùy thuộc vào cân nhắc của Chính phủ.

Nên hạn chế hay khuyến khích?

Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi về điều kiện kinh doanh thuộc quản lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, VCCI cho rằng, “nợ” là loại hàng hóa đặc biệt và không phải ai cũng muốn mua vì thực tế chỉ ra rằng, đòi nợ chưa khi nào là dễ dàng cả. Vì vậy, việc một chủ thể đứng ra chấp nhận mua một khoản nợ, chấp nhận những rủi ro về mình (có thể không đòi được nợ, phát sinh những tranh chấp từ khoản nợ) thì tại sao lại phải ràng buộc quá nhiều điều kiện để họ có thể mua được khoản nợ đó? Hơn nữa, dưới góc độ thị trường thì cần các chủ thể mua những khoản nợ để khơi thông các dòng vốn, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nói riêng và môi trường kinh doanh nói chung.

Trong bối cảnh Chính phủ đang thúc đẩy cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa về điều kiện kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp đề nghị bổ sung quy định bỏ hoàn toàn các điều kiện kinh doanh đối với dịch vụ mua bán nợ tại Nghi định 69/2016/NĐ-CP, với căn cứ: Danh mục tại Luật Đầu tư là Danh mục ngành nghề mà Chính phủ có thể quy định điều kiện kinh doanh chứ không phải bắt buộc phải quy định về điều kiện kinh doanh.

Trong trường hợp hiểu rằng Danh mục tại Luật Đầu tư là Danh mục bắt buộc phải quy định điều kiện kinh doanh thì cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị loại bỏ hoạt động này ra khỏi Danh mục về ngành nghề kinh doanh có điều kiện tại Luật Đầu tư 2014 và sửa đổi các quy định về điều kiện kinh doanh đối với dịch vụ này theo hướng đơn giản, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, như bỏ điều kiện “có mức vốn điều lệ, vốn đầu tư tối thiểu là 100 tỷ đồng” đối với doanh nghiệp kinh doanh hoạt động mua bán nợ (khoản 2), bỏ các điều kiện về “có mức vốn điều lệ, vốn đầu tư tối thiểu là 500 tỷ đồng”, “Đã hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ ít nhất 01 năm và mức doanh thu hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ của năm liền kề trước năm thực hiện kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch tối thiểu là 500 tỷ đồng” đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch nợ… 

Đọc thêm