Hướng dẫn thực hiện những quy định có lợi về trường hợp đương nhiên được xóa án tích

(PLO) - Căn cứ những nội dung có liên quan tại một số đạo luật mới được ban hành, mới đây Trung tâm Lý lịch tư pháp (LLTP) quốc gia (Bộ Tư pháp) đã có hướng dẫn Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về thực hiện cấp Phiếu LLTP cho các trường hợp đương nhiên được xóa án tích - một chính sách nhân văn của pháp luật hình sự. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cụ thể, Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2015. Tuy nhiên, ngày 29/6/2016, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 144/2016/QH13 về việc lùi hiệu lực thi hành của BLHS số 100/2015/QH13, Bộ luật Tố tụng hình sự số 99/2015/QH13, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13 và bổ sung Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS số 100/2015/QH13 vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2016 (gọi tắt là Nghị quyết 144). Theo đó, ngày 13/9/2016, TANDTC ban hành số 276/TANDTC-PC về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định có lợi cho người phạm tội của BLHS năm 2015. 

Vì vậy, để bảo đảm thực hiện cấp Phiếu LLTP cho các trường hợp đương nhiên được xóa án tích, Giám đốc Trung tâm LLTP quốc gia (Bộ Tư pháp) Hoàng Quốc Hùng cho biết, trường hợp Sở Tư pháp nhận được hồ sơ đề nghị xóa án tích thuộc trường hợp đương nhiên được xóa án tích của cá nhân có yêu cầu thì hướng dẫn cho những người này thực hiện thủ tục cấp Phiếu LLTP theo quy định của Luật LLTP. Bởi vì nội dung Phiếu LLTP đã thể hiện rõ đương sự đã được xóa án tích hay chưa, sau đó tiến hành xác minh và cấp Phiếu LLTP theo quy định.

Đối với những trường hợp cá nhân chưa hiểu những quy định có liên quan đến xóa án tích đã có hiệu lực thi hành tại BLHS 2015 và họ đã đến cơ quan tòa án thực hiện yêu cầu cấp giấy chứng nhận xóa án tích không thuộc trường hợp xóa án tích theo quyết định của tòa án, theo ông Hùng, Sở Tư pháp cần phối hợp với cơ quan tòa án trên địa bàn hướng dẫn những cá nhân này đến Sở Tư pháp thực hiện yêu cầu cấp Phiếu LLTP, tránh tình trạng cơ quan tòa án nhận hồ sơ rồi sau lại chuyển cho Sở Tư pháp xử lý như tại một số địa phương trong thời gian vừa qua.

Về điều kiện đương nhiên xóa án tích, ông Hùng phân tích, khoản 2 Điều 70 BLHS 2015 quy định: “Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây: a) 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo; b) 02 năm trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm; c) 03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm; d) 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án. Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời gian quy định tại các điểm a, b và c khoản này thì thời hạn đương nhiện được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung”. Còn khoản 3 Điều 70 nêu rõ: “Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này”.

Tuy nhiên, ông Hùng nhấn mạnh: Trong thực tế, sau thời hạn được quy định trên đây, người bị kết án mới thi hành những nội dung liên quan đến các “quyết định khác của bản án” như nộp án phí, bồi thường thiệt hại… thì thời hạn đương nhiên được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong các “quyết định khác của bản án”. Ngoài ra, thời hạn cấp Phiếu LLTP đối với người đương nhiên được xóa án tích có yêu cầu cấp Phiếu LLTP là tối đa 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu hợp lệ, theo khoản 1 Điều 48 Luật LLTP.

Liên quan đến xác minh điều kiện đương nhiên xóa án tích đối với những trường hợp chưa có thông tin về tình trạng thi hành án phí hình sự trong bản án của người bị kết án có yêu cầu cấp Phiếu LLTP, ông Hùng cho biết cần tiến hành xác minh tại cơ quan thi hành án dân sự. Cụ thể, nếu người yêu cầu cấp Phiếu LLTP khẳng định đã nộp án phí nhưng làm mất giấy biên nhận của người thu án phí thì đề nghị Sở Tư pháp có văn bản xác minh gửi cơ quan thi hành án dân sự có liên quan yêu cầu cung cấp thông tin. Trường hợp cơ quan thi hành án dân sự có văn bản trả lời không rõ, không có thông tin về tình trạng thi hành án phí của người bị kết án, Sở Tư pháp thực hiện xóa án tích nếu có đủ các điều kiện khác theo quy định. Trường hợp cơ quan thi hành án dân sự có văn bản thông báo những người bị kết án này chưa thi hành án phí thì Sở Tư pháp đề nghị họ đến cơ quan thi hành án có liên quan để thi hành án phí. Căn cứ thông báo của cơ quan thi hành án về việc đã thi hành hay không tiếp nhận thi hành án phí, Sở Tư pháp thực hiện xóa án tích nếu có đủ các điều kiện khác theo quy định.

Ngoài nội dung xác minh liên quan đến thi hành án phí hình sự, “đối với việc xác minh những nội dung trong các “quyết định khác của bản án” nếu có vướng mắc, tùy từng trường hợp cụ thể, đề nghị Sở Tư pháp có văn bản yêu cầu hướng dẫn nghiệp vụ gửi Trung tâm LLTP quốc gia để được hướng dẫn giải quyết” – ông Hùng cam kết. 

Đọc thêm