Hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ phải có ủy quyền của họ tộc?

(PLO) -  Người anh của ông Võ Tấn Hưng là liệt sĩ. Bố mẹ của ông Hưng đã mất, gia đình còn 5 anh chị em ruột. Vừa qua, ông Hưng làm thủ tục hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ, có biên bản ủy quyền của 4 anh chị em còn lại được UBND xã xác nhận.
Hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ phải có ủy quyền của họ tộc?

UBND xã đã kiểm tra, chuyển hồ sơ của ông Hưng lên huyện, tuy nhiên, huyện hướng dẫn, ông Hưng phải làm tiếp một biên bản ủy quyền của họ tộc thì mới được giải quyết. Ông Hưng xin mẫu biên bản ủy quyền nêu trên nhưng được trả lời không có mẫu, ông phải tự làm. Ông Hưng hỏi, như vậy có đúng không?

Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời vấn đề ông Hưng hỏi như sau:

Khoản 4, Điều 4 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013 của Chính phủ quy định, người thờ cúng liệt sĩ là người con hưởng chế độ thờ cúng liệt sĩ; trường hợp liệt sĩ không có hoặc không còn con thì người thờ cúng liệt sĩ là người được gia đình hoặc họ tộc liệt sĩ ủy quyền.

Thủ tục hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ được quy định cụ thể tại Điều 11 Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15/5/2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội như sau:

Người thờ cúng liệt sĩ có trách nhiệm lập và gửi UBND cấp xã nơi cư trú:

- Đơn đề nghị hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ có xác nhận của UBND cấp xã.

- Biên bản ủy quyền (Mẫu UQ).

UBND cấp xã trong thời gian 5 ngày kể từ ngày tiếp nhận đủ giấy tờ hợp lệ, có trách nhiệm kiểm tra, lập danh sách kèm giấy tờ quy định tại Khoản 1 Điều này gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội.

Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội trong thời gian 10 ngày kể từ ngày tiếp nhận đủ giấy tờ hợp lệ, có trách nhiệm tổng hợp, lập danh sách kèm giấy tờ quy định tại Khoản 1 Điều này gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong thời gian 15 ngày kể từ ngày tiếp nhận đủ giấy tờ hợp lệ, có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu hồ sơ gốc của liệt sĩ đang quản lý, ra quyết định trợ cấp thờ cúng.

Trường hợp hồ sơ gốc của liệt sĩ do địa phương khác quản lý thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có văn bản đề nghị di chuyển hồ sơ gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi quản lý hồ sơ gốc của liệt sĩ.

Trường hợp người thờ cúng liệt sĩ chết hoặc không tiếp tục thờ cúng liệt sĩ thì cá nhân khác được gia đình, họ tộc của liệt sĩ ủy quyền thờ cúng liệt sĩ thực hiện thủ tục theo quy định tại Khoản 1 Điều này.

Việc ông Võ Tấn Hưng phản ánh, gia đình ông Hưng có một người anh ruột là liệt sĩ, hy sinh năm 1968, cha ông đã chết, mẹ ông được hưởng trợ cấp hàng tháng, nhưng cũng đã chết cách đây 10 năm. Hiện nay trong gia đình ông còn 5 anh chị em ruột. Vừa qua ông đã làm thủ tục đề nghị trợ cấp thờ cúng liệt sĩ, có biên bản ủy quyền của 4 anh chị em còn lại, có xác nhận của UBND xã. Khi ông nộp hồ sơ đầy đủ theo quy định lên UBND xã, xã kiểm tra và chuyển hồ sơ đến Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội thì công chức của Phòng hướng dẫn về làm tiếp một biên bản ủy quyền của họ tộc nữa mới giải quyết.

Theo luật sư, trường hợp liệt sĩ không còn con hoặc không có con, cha mẹ liệt sĩ đều đã chết, gia đình ông Hưng hiện nay còn 5 anh em là những người có quan hệ huyết thống gần nhất với liệt sĩ, do đó việc 4 anh chị em lập biên bản ủy quyền cho ông Hưng làm thủ tục đề nghị trợ cấp thờ cúng liệt sĩ là đúng quy định, không phải có thêm biên bản ủy quyền của họ tộc nữa. Việc công chức Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn về làm thêm một biên bản ủy quyền của họ tộc nữa mới giải quyết là phát sinh thêm thủ tục hành chính không cần thiết.

Đọc thêm