Khó xử lý tài sản của doanh nghiệp phải thi hành án

(PLO) - Các vụ việc thi hành án liên quan đến doanh nghiệp (DN) theo các bản án kinh doanh, thương mại thường có giá trị tương đối lớn nên việc giải quyết dứt điểm các vụ việc này có ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả thi hành án dân sự (THADS). Tuy nhiên, việc thi hành án đối với người phải thi hành án là DN lại có những đặc thù riêng biệt so với thi hành án cho công dân nên còn nhiều khó khăn, lúng túng, gây kéo dài thời gian thi hành án.
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Thực tế cho thấy việc thành lập DN tại Việt Nam hiện nay được đánh giá là tương đối dễ dàng nhưng phần lớn chủ DN, người sử dụng lao động ở Việt Nam lại thường thiếu kỹ năng quản trị DN nên nhiều trường hợp hoạt động thiếu hiệu quả. Từ đó dễ dẫn đến tranh chấp khiến cho số lượng các vụ việc liên quan đến kinh doanh thương mại gia tăng, gây khó khăn cho công tác THADS.

Trong một số trường hợp khác, khi các thành viên, cổ đông góp vốn thành lập DN, công ty thường chỉ dừng ở việc ký văn bản cam kết góp vốn cho DN, công ty nhưng không thực hiện việc chuyển quyền sở hữu tài sản hoặc có chuyển nhưng không đầy đủ, còn thiếu so với số vốn cam kết góp vốn. Do đó, đến giai đoạn tổ chức thi hành án, cơ quan THADS gặp rất nhiều khó khăn khi xử lý tài sản của DN. Nhiều trường hợp theo đăng ký kinh doanh, DN có vốn điều lệ rất lớn nhưng khi xử lý thì tài sản, vốn thực tế của DN rất ít, gần như không có để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án.

Hiện nay vẫn còn thiếu cơ chế công khai thông tin về DN và tài sản của DN nên nhiều trường hợp khi thi hành án, DN không còn tài sản, kể cả tài sản đã được dùng để đảm bảo thi hành nghĩa vụ. Thậm chí, nhiều DN mất tích hoặc chủ đầu tư là người nước ngoài đã bỏ về nước và hiện không liên lạc được. Trong khi đó, việc truy tìm địa chỉ, tài sản của họ ở nước ngoài hiệu quả không cao do thiếu các hiệp định về tương trợ tư pháp. Nhiều DN phải thi hành án đã đổi tên khác nhưng khi Chấp hành viên tiến hành xác minh, ngay chính cơ quan có thẩm quyền cũng không nắm được thông tin, dẫn đến việc Chấp hành viên gặp khó khăn, lúng túng khi xử lý tài sản.

Một khó khăn khác đó là tài sản của DN được cầm cố, thế chấp cho nhiều bên dẫn đến tranh chấp, làm kéo dài thời gian tổ chức thi hành án. Trong khi đó, quá trình xét xử kéo dài nên khi thi hành án thì tài sản đã hư hỏng, hao mòn, giá bán tài sản thấp hơn rất nhiều so với khoản được bảo đảm hoặc giá mua tài sản đó trước đây. 

Ngoài ra, việc xử lý tài sản của DN trong trường hợp phá sản cũng còn nhiều vướng mắc. Cụ thể, quá trình yêu cầu Tòa án tuyên bố phá sản đối với một DN thường kéo dài 2-3 năm do phải thực hiện theo các bước quy định trong Luật Phá sản năm 2014. Tuy nhiên, một số quy định của Luật này còn chồng chéo, bất cập với Luật THADS nên gây khó khăn, lúng túng cho Chấp hành viên trong quá trình tổ chức thi hành vụ việc. 

Một trong những quy định mới của Luật THADS là cưỡng chế đối với tài sản là quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 chưa quy định rõ về trình tự, thủ tục, phương pháp định giá quyền sở hữu trí tuệ theo yêu cầu tại khoản 2 Điều 85 Luật THADS. Trong khi đó, loại tài sản này cần phải có quy định riêng, không thể thực hiện như các loại tài sản hữu hình khác. Tương tự, việc kê biên quyền sở hữu trí tuệ để thực hiện theo quy định tại Điều 84 Luật THADS cũng cần phải có hướng dẫn cụ thể vì trong quyền sở hữu trí tuệ có rất nhiều loại như tác phẩm, giải pháp hữu ích, bằng sáng chế…, trong mỗi loại lại có quyền nhân thân, quyền tài sản. Với sự đa dạng và phức tạp của quyền sở hữu trí tuệ, nếu không có định hướng cụ thể thì Chấp hành viên rất dễ nhầm lẫn, sai sót.

Để tháo gỡ những bất cập trên, góp phần nâng cao hiệu quả THADS đối với DN, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật về DN, THADS nói riêng. Theo đó, cần nghiên cứu sửa đổi các quy định pháp luật về DN theo hướng siết chặt công tác quản lý đối với DN.

Đồng thời sửa đổi một số quy định pháp luật về THADS liên quan đến DN như quy định về chuyển giao quyền, nghĩa vụ thi hành án tại điểm e khoản 1 Điều 54 theo hướng: “Trường hợp DN thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần mà trước đó chưa thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành án của mình thì sau khi chuyển đổi, công ty cổ phần tiếp tục thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành án”. Nghiên cứu sửa đổi quy định không giới hạn việc kê biên tài sản của DN nhà nước như quy định khoản 1, Điều 87 Luật THADS để đảm bảo sự bình đẳng, công bằng của các DN trong hoạt động kinh doanh, theo đó thì tài sản do ngân sách nhà nước cấp cho DN nhà nước cũng thuộc đối tượng kê biên để thi hành án.

Song song với đó, cần bổ sung cơ chế, chế tài đủ mạnh để xử lý các trường hợp ngân hàng, tổ chức tín dụng nói riêng, các cơ quan, tổ chức có liên quan nói chung không thực hiện các quyết định, yêu cầu hợp pháp của Chấp hành viên theo quy định. Đồng thời tăng cường tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực, trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ cho Chấp hành viên và đội ngũ làm công tác THADS; nghiên cứu rút ngắn quy trình, thủ tục xử lý tài sản để thi hành án; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, thiếu sót để đảm bảo tính nghiêm minh trong thi hành công vụ… 

Đọc thêm