Không di chúc có được làm thủ tục hưởng thừa kế?

(PLO) - Ông bà nội tôi mất cách đây gần chục năm mà không để lại di chúc. Hiện tại khối tài sản gồm đất và nhà ở của ông bà nội tôi vẫn chưa được chia cho các con theo quy định của pháp luật. Liệu tôi có được nhận phần tài sản thừa kế này của cha không?
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Ông, bà tôi có mảnh đất rộng 3 sào. Hiện tại khối tài sản gồm đất và nhà ở của ông bà nội tôi trên mảnh đất này vẫn chưa được chia cho các con theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên trước đó,  bác cả, bố và chú tôi lấy vợ, ông bà có xây cho mỗi người con một căn nhà trên mảnh đất của mình (không có tường rào phân chia các nhà, chỉ có một sân chung). Sau đó, ông, bà mất mà không lập di chúc, cuộc sống của chúng tôi vẫn bình yên bởi ai cũng nghĩ “bố mẹ cho mình nhà riêng rồi, có sân thì chung nên cứ thế mà ở”.                                                                           

Tuy nhiên dạo gần đây sức khỏe bố tôi không tốt (ông bị cao huyết áp) nên bố muốn lập di chúc và cho tôi thừa kế phần tài sản là căn nhà gia đình tôi đang ở và một phần thuộc cái sân chung của 4 nhà còn lại. Vậy xin hỏi luật sư trong trường hợp này, tôi có được thừa kế phần tài sản này không?

Xin cảm ơn luật sư!                                                                          

Trả lời:

Để xác định xác định bạn được hưởng thừa kế phần tài sản do bố của bạn để lại di chúc như thế nào thì trước hết cần phải xác định quyền của bố của bạn đối với khối tài sản mà bố của bạn dự định lập di chúc để lại cho bạn (phần tài sản bố của bạn được hưởng từ khối tài sản của ông bà của bạn để lại). Cụ thể như sau:

Thứ nhất, về quyền lập di chúc:

Theo quy định của pháp luật hiện hành, nếu một người có tài sản được tạo lập hợp pháp thì hoàn toàn có quyền lập di chúc để lại tài sản cho các con (kể cả trường hợp tài sản đó chưa được đăng ký quyền sở hữu). Vì vậy, bố của bạn có quyền lập di chúc để lại tài sản cho bạn. Căn cứ trên di chúc, bạn sẽ làm các thủ tục theo quy định của pháp luật để được hưởng phần di sản này.

Thứ hai, về phần tài sản mà bố của bạn được hưởng:

Theo những thông tin bạn cung cấp ở trên thì có thể thấy rằng:

+ Mặc dù ông, bà nội của bạn có xây dựng nhà cho các con nhưng cả bố của bạn và bác, chú của bạn đều chưa làm thủ tục xin cấp GCNQSDĐ đối với phần đất được ông bà phân chia.

+ Diện tích đất do ông bà để lại có thể đã được cấp hoặc chưa được cấp GCNQSDĐ.

+ Ông, bà của bạn mất đã được gần 10 năm: Theo quy định của pháp luật thì thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế, xác nhận quyền thừa kế của mình kể từ thời điểm mở thừa kế (thời điểm người để lại di sản chết) là 10 năm. Sau khi bố của bạn di chúc để lại tài sản cho bạn và bố của bạn mất thì bạn có thể tiến hành thủ tục xác lập quyền sở hữu đối với phần di sản được hưởng. Như vậy, tính đến thời điểm mà bạn làm các thủ tục để được nhận phần tài sản của bố của bạn thì thời hiệu khởi kiện về thừa kế (nếu có phát sinh tranh chấp giữa gia đình bạn và gia đình các chú, bác đối với khối tài sản do ông, bà của bạn để lại) có thể đã hết.

Thông thường, khi lập di chúc (bao gồm cả di chúc định đoạt tài sản là bất động sản) không bắt buộc người thừa kế phải đã có đầy đủ giấy tờ về quyền sở hữu tài sản. Vì vậy, bố của bạn có thể lập di chúc theo đúng hình thức quy định của pháp luật trong đó mô tả rõ phần tài sản mà bố của bạn muốn để lại cho bạn.

Tuy nhiên, sau này, khi bạn căn cứ trên di chúc để làm thủ tục xin cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu đối với tài sản mà bạn được hưởng mà khối tài sản này lại là tài sản thuộc khối tài sản chung với người khác nhưng chưa được xác định rõ ràng thì thủ tục sẽ rất phức tạp.

Do đó, để hạn chế các rủi ro và tạo điều kiện thuận lợi cho việc làm thủ tục hưởng di sản thừa kế sau này của bạn, tùy từng trường hợp bạn có thể lựa chọn hướng giải quyết như sau:

Trường hợp 1: Gia đình bạn đã quản lý, sử dụng nhà đất được từ đủ 30 năm trở lên tính từ thời điểm ông, bà nội của bạn xây dựng nhà cho bố của bạn:

Trong trường hợp này Quyền sử dụng đất và nhà ở gắn liền với đất sẽ thuộc về gia đình bạn căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 247 Bộ luật dân sự 2005 về xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu. Vì vậy, bố của bạn có thể định đoạt trong di chúc khối tài sản này cho bạn. Thủ tục sau này sẽ ít phức tạp hơn nếu bạn có đầy đủ giấy tờ chứng minh về thời điểm sử dụng nhà đất của gia đình (có thể là Biên lai thu thuế nhà đất đứng tên bố của bạn, Giấy tờ về việc đăng ký hộ khẩu thường trú, tạm trú dài hạn….(khoản 2 Điều 21 Nghị định 43/2014/NĐ-CP)).

Về một phần sân chung: Gia đình bạn có thể lựa chọn cách giải quyết theo trường hợp 2 hoặc trường hợp 3 được phân tích dưới đây.

Trường hợp 2: Diện tích nhà đất gia đình bạn quản lý, sử dụng chưa được 30 năm, thửa đất của ông, bà của bạn có GCNQSDĐ hoặc một trong số các giấy tờ khác về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 100 Luật đất đai năm 2013, thời hiệu khởi kiện xác lập quyền thừa kế vẫn còn:

Trong trường hợp này, phần tài sản bố của bạn được hưởng được xác lập theo thủ tục về thừa kế. Việc chia thừa kế trong trường hợp này là thừa kế theo pháp luật. Những người được hưởng di sản thừa kế của ông bà của bạn gồm: bác, chú, bố của bạn và những người con khác của ông, bà (nếu có).

Trước khi bố của bạn lập di chúc, để hạn chế rủi ro, gia đình bạn và gia đình các chú, bác nên đi làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế và thỏa thuận phân chia di sản thừa kế tại Văn phòng công chứng. Trong trường hợp này, nếu bác hoặc chú của bạn không đồng ý thỏa thuận phân chia thì bố của bạn hoặc chú, bác còn lại có quyền khởi kiện ra Tòa án yêu cầu chia di sản thừa kế đối với khối tài sản do ông, bà của bạn để lại.

Khi đã có văn bản khai nhận di sản thừa kế, thỏa thuận phân chia di sản thừa kế hoặc Quyết định, bản án của Tòa án về việc phân chia di sản thừa kế thì việc xin cấp GCNQSDĐ của gia đình bạn sau này sẽ thuận lợi hơn.

Trường hợp 3: Diện tích nhà đất gia đình bạn quản lý, sử dụng chưa được 30 năm, thửa đất của ông, bà của bạn chưa có GCNQSDĐ hoặc một trong số các giấy tờ khác về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 100 Luật đất đai năm 2013, thời hiệu khởi kiện xác lập quyền thừa kế đã hết:

Trường hợp này, căn cứ theo quy định của Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP, những người được hưởng di sản thừa kế của ông, bà của bạn cần lập văn bản trong đó xác nhận đây là tài sản do ông, bà của bạn để lại. Sau đó, nếu không có tranh chấp, các bên có thể lập Văn bản thỏa thuận phân chia tài sản và sau đó có thể làm thủ tục để xin cấp GCNQSDĐ.

Trường hợp có tranh chấp thì phần tài sản bố của bạn được hưởng trong trường hợp này được Tòa án chia theo quy định về chia tài sản chung của Bộ luật dân sự 2005.

Vì thửa đất chưa có GCNQSDĐ và cũng không có giấy tờ khác về quyền sử dụng đất nên nếu có tranh chấp thì trước khi đề nghị Tòa án giải quyết, những người được hưởng di sản thừa kế cần xin xác nhận của UBND xã về việc sử dụng đất là hợp pháp, không vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Sau khi đã có văn bản xác nhận phần tài sản mà bố của bạn được hưởng thì bố của bạn có thể lập di chúc để lại tài sản cho bạn.

Ngoài ra, bạn cũng cần lưu ý rằng, theo quy định của Bộ luật dân sự thì những người được hưởng di sản không phụ thuộc vào nội dung của di chúc bao gồm: con chưa thành niên; cha; mẹ; vợ, chồng; con đã thành niên mà không có khả năng lao động của người để lại di sản. Vì vậy, mặc dù bố của bạn chỉ lập di chúc để lại di sản thừa kế cho mình bạn nhưng nếu trong gia đình bạn vẫn có các thành viên thuộc trường hợp trên thì một phần di sản thừa kế của bố của bạn sẽ được chia cho những người ở trên.

Trân trọng!

Đọc thêm