Không thể ép tăng tuổi hưu vì lo vỡ quỹ

(PLO) - Bộ Lao động Thương binh &Xã hội (LĐTB&XH) đang lấy ý kiến các chuyên gia, các đơn vị liên quan để dự kiến năm 2017 trình Quốc hội xem xét tăng tuổi về hưu, vì e sẽ vỡ quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH). Ngay lập tức, dư luận đã bùng lên những ý kiến phản biện sôi nổi. 
Hình minh họa
Hình minh họa

Nhiều người không đồng tình với việc so sánh tuổi về hưu của nước ta so với các nước khác trên thế giới, vì điều kiện sức khỏe, lao động, môi trường sống của mỗi nước khác nhau. Nhiều người cho rằng lo vỡ quỹ là vô lý, vì thực chất người về hưu chỉ lấy lại phần tiền họ đã đóng. Hơn nữa, nhiều người hưu trí đã chết trước khi nhận đủ quỹ lương đã đóng. 

Quan trọng hơn, nhiều chuyên gia cho rằng tuổi về hưu là vấn đề xã hội có liên quan nhiều yếu tố khác: dân số, sức khỏe, chính sách lao động… Quỹ Bảo hiểm xã hội chỉ là một biện pháp để thực hiện các chính sách ấy, không thể vì sợ vỡ quỹ mà tăng tuổi về hưu.

Với quan điểm của Bộ LĐTB&XH cho rằng việc tăng tuổi hưu đang là xu thế của nhiều nước trên thế giới, cũng có nhiều ý kiến phản biện mạnh mẽ. Việc so sánh tuổi nghỉ hưu với các quốc gia khác là rất khập khiễng, phải xem ở nhiều yếu tố khác nhau mà mỗi quốc gia áp dụng. Quan trọng là họ nâng tuổi nghỉ hưu mục đích gì? 

Kế đến là điều kiện sức khỏe, dinh dưỡng, môi trường sống, điều kiện lao động của từng quốc gia khác nhau. Riêng Việt Nam và các nước tiên tiến thì khoảng cách ấy càng rất xa. Ngay đội tuyển bóng đá hay các đội tuyển thể dục thể thao quốc gia được chăm chút tối đa về thể chất, thể lực nhưng vẫn lẹt đẹt đi sau các quốc gia đó thì không thể buộc người lao động Việt Nam phải làm việc theo độ tuổi của các nước đó.

Sao không lấy ý kiến người lao động?

Luật sư Trương Đình Công Vĩnh (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng: “Đề xuất tăng tuổi hưu, theo tôi, cần lấy ý kiến của người lao động là đối tượng ảnh hưởng trực tiếp của chính sách. Chúng ta không thể lấy lý do vỡ quỹ bảo hiểm hay tình trạng dân số bị già hóa để tăng tuổi nghỉ hưu mà không lấy ý kiến của người lao động. Họ là đối tượng ảnh hưởng trực tiếp của chính sách nên cần được xin ý kiến xem họ có đồng thuận hay không”.

“Cá nhân tôi không ủng hộ chính sách tăng tuổi nghỉ hưu. Hiện nay, tuổi thọ người Việt Nam không cao bởi môi trường bị ảnh hưởng, chất lượng cuộc sống rất thấp. Với lý do lo ngại quỹ BHXH bị vỡ, chúng ta phải tìm nguyên nhân tại sao và giải quyết vấn đề đó thế nào? Cần tổ chức tọa đàm để các ban ngành đoàn thể, đại diện doanh nghiệp, người lao động nêu ý kiến”, luật sư Vĩnh nói.

GS Nguyễn Đình Cử - nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội (ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội) lưu ý đến vấn đề sức khỏe của những người bước vào tuổi hưu trí: “Những người cao tuổi ở Việt Nam hiện nay là lớp người từng trải qua chiến tranh và thời kỳ kinh tế khó khăn. Những hiện thực ấy ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe. Năm 2011, một điều tra quốc gia về người cao tuổi cho thấy 2/3 trong số những người trên 60 tuổi được hỏi cho biết sức khỏe của họ ở mức yếu và rất yếu”. 

Nhưng có người lập luận: "Vì sức khỏe và tuổi thọ của người Việt Nam ngày càng cao hơn, nên việc tăng tuổi nghỉ hưu để tận dụng những trí tuệ và tay nghề cao là rất cần thiết". GS Nguyễn Đình Cử cho rằng không cần phải lo lắng quá nhiều về vấn đề lãng phí nguồn nhân lực có trình độ này, bởi nền kinh tế thị trường mở cửa, nhiều đơn vị tư nhân sẵn sàng thu hút người tài (đã nghỉ hưu) về làm những công việc đòi hỏi trình độ nghiên cứu cao, chuyên môn sâu. “Những người tài, có khả năng thì không bao giờ hết việc, dù có nghỉ hưu hay không”, GS Nguyễn Đình Cử nói.

Bên cạnh đó, theo GS Nguyễn Đình Cử, trong gia đình và xã hội Việt Nam, vai trò của ông bà trong gia đình cũng rất được chú trọng. Khi con cái đang ở độ tuổi lao động sung sức nhất thì chính ông bà, những người đã lui về với gia đình sau nghỉ hưu, là cánh tay nối dài tiếp sức cho gia đình trong việc chăm sóc nhà cửa, con cháu.

Tăng tuổi, tăng sức ép cho quỹ lương

Không phải ai cũng phản đối việc tăng tuổi về hưu. Ngược lại, cũng có không ít ý kiến đồng tình. Ông Nguyễn Quang Dũng, Vụ trưởng Tiền lương (Bộ Nội vụ) cho biết, ông thấy việc tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết.

Về lo gia tăng quỹ lương từ ngân sách nhà nước, theo ông Dũng, điều này không đáng lo ngại. Vì mỗi cơ quan đều có số lượng biên chế nhất định, chỉ khi có người nghỉ hưu mới được tuyển thêm người mới. 

“Người sắp nghỉ hưu lương cao, nhưng người trẻ lương lại thấp, nên bình quân thì mức lương vẫn không thay đổi. Mỗi cơ quan đều có định mức lương nhất định, không phải muốn “phình” bao nhiêu cũng được. Vì vậy, cũng không lo quỹ lương ngân sách sẽ tăng thêm khi tăng tuổi hưu”, ông Dũng nói. 

Tuy vậy, theo ông Dũng, không phải ai cũng muốn làm việc tới đúng tuổi nghỉ hưu, nhiều trường hợp rất muốn nghỉ hưu sớm, và cũng có chính sách cho phép nghỉ hưu sớm.

Nhưng có ý kiến phản biện, cho rằng nếu kéo dài tuổi về hưu, quỹ tiền lương quốc gia phải trả cao hơn rất nhiều so với tiền hưu phải trả, vì mức tiền lương ở tuổi này sẽ là mức cao nhất. 

Một người chia sẻ: "Tôi làm việc trong doanh nghiệp nhà nước đã 34 năm, còn 2 năm nữa nghỉ hưu. Lương tương đối khá, nhưng tôi nghĩ nam 60 tuổi nghỉ hưu là vừa, đừng cố gắng gia hạn thêm làm gì"!

Ông Nguyễn An Trung, viên chức hành chính cấp tỉnh, đồng quan điểm cho rằng: "Tôi đã sắp 60 tuổi, tự nhìn nhận là ở tuổi này "đuối" rồi. Nếu kéo thêm 2 năm nữa chắc chắn làm việc không còn hiệu quả”.

Người khác lại đặt vấn đề: "Nói "vỡ "quỹ càng vô lý vì người lao động có nộp đủ 20 năm trở lên mới được hưởng lương hưu. Chưa kể số tiền gốc của những người đã qua đời mà chưa kịp nhận đủ quỹ lương. Số tiền đó đi đâu mà nói vỡ quỹ”?

Chống vỡ quỹ: phải công khai, minh bạch, tiết kiệm

Nhiều chuyên gia quản lý đồng tình cho rằng việc điều hành quản lý sử dụng nguồn Quỹ BHXH như thế nào cho hợp lý, tiết kiệm và minh bạch là vấn đề hết sức quan trọng. 

Thực tế vừa qua, việc cho vay để thất thoát hơn 1000 tỷ đồng chưa thu hồi được. Chi phí quản lý của Quỹ quá cao: hơn 6000 tỷ đồng/năm 2015. Nhiều khoản đầu tư lớn nhưng chưa thấy hiệu quả, như hiện đại hóa hoạt động quản lý, ứng dụng công nghệ thông tin, giao dịch điện tử, BHXH Việt Nam đã chi tới hơn 1.345 tỷ đồng. Thậm chí, đang xây dựng đề án tuyên truyền BHYT giai đoạn 2016-2020, với tổng kinh phí lên tới 7.000 tỷ đồng. 

Dù đã chi số tiền lớn (hơn 1.600 tỷ đồng) cho hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, giao dịch điện tử và tuyên truyền, thế nhưng hiện nay tất cả quan hệ giữa khách hàng với Bảo hiểm đều thực hiện bằng giấy. Tại các cơ sở Bảo hiểm cấp quận, huyện, vẫn còn ngập trong “núi” giấy tờ. Không thể vì buông lỏng quản lý quỹ mà cố ép nâng tuổi về hưu để tăng thu, giảm chi với người lao động.

Ông Đặng Như Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, vấn đề của Việt Nam hiện nay không phải tăng tuổi hưu hay không. Quan trọng hơn là phải giải quyết câu chuyện chưa tới tuổi nghỉ hưu nhưng chất lượng làm việc đã già. 

Theo xu thế, chúng ta phải điều chỉnh lương theo sức lao động, vì nếu người có kinh nghiệm, năng lực thì họ giải quyết công việc bằng mấy người mới nhận vào, không phải chất lượng lao động xấu - tốt đều được hưởng lương như nhau như hiện nay.

“Phải có cơ chế để người không đảm bảo năng lực phải được thải loại, loại trừ, để không xảy ra tham quyền, cố vị. Lãnh đạo phải giỏi thì mới làm được lãnh đạo, không phải như hiện nay”, ông Lợi nói.

Để giải quyết câu chuyện tuổi hưu và ổn định Quỹ BHXH, quỹ lương ngân sách, theo ông Lợi, nếu gần tới tuổi nghỉ hưu người nào không đáp ứng được yêu cầu công việc có thể chuyển công việc khác phù hợp hơn. Thậm chí, có cơ chế để người không đáp ứng công việc được nghỉ hưu sớm và nhận trợ cấp xã hội, về nghỉ vài năm tới tuổi nghỉ hưu mới được giải quyết hưởng lương hưu.

Chưa tới tuổi hưu nhưng chất lượng làm việc đã “già”

Ông Đặng Như Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, vấn đề của Việt Nam hiện nay không phải tăng tuổi hưu hay không. Quan trọng hơn là phải giải quyết câu chuyện chưa tới tuổi nghỉ hưu nhưng chất lượng làm việc đã già. 

Theo xu thế, chúng ta phải điều chỉnh lương theo sức lao động, vì nếu người có kinh nghiệm, năng lực thì họ giải quyết công việc bằng mấy người mới nhận vào, không phải chất lượng lao động xấu - tốt đều được hưởng lương như nhau như hiện nay.

“Phải có cơ chế để người không đảm bảo năng lực phải được thải loại, loại trừ, để không xảy ra tham quyền, cố vị. Lãnh đạo phải giỏi thì mới làm được lãnh đạo, không phải như hiện nay”, ông Lợi nói.

Để giải quyết câu chuyện tuổi hưu và ổn định Quỹ BHXH, quỹ lương ngân sách, theo ông Lợi, nếu gần tới tuổi nghỉ hưu người nào không đáp ứng được yêu cầu công việc có thể chuyển công việc khác phù hợp hơn. Thậm chí, có cơ chế để người không đáp ứng công việc được nghỉ hưu sớm và nhận trợ cấp xã hội, về nghỉ vài năm tới tuổi nghỉ hưu mới được giải quyết hưởng lương hưu.

Đọc thêm