Làm gì khi hàng xóm mất trật tự?

(PLO) -Ngay cạnh nhà tôi mới mở một quán karaoke, quán hoạt động chủ yếu từ 9h đêm. Từ khi quán vào hoạt động làm cuộc sống về đêm của gia đình tôi đảo lộn, triệu chứng mất ngủ của mẹ tôi ngày càng trầm trọng do tiếng ồn và độ rung của âm thanh phát ra từ những phòng hát không được cách âm. Tôi đã nhiều lần gặp chủ quán để nói chuyện nhưng tình trạng này vẫn thế.  Bây giờ tôi phải làm gì để chấm dứt tình trạng trên?(Nguyễn Thùy Trâm, Đan Phượng, Hà Nội)
Làm gì khi hàng xóm mất trật tự?

Trả lời:

Tại điều 32 Nghị định 103/2009/NĐ-CP ban hành quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh hàng hóa công cộng quy định về trách nhiệm của chủ cơ sở kinh doanh karaoke khi hoạt động kinh doanh karaoke, chủ cơ sở kinh doanh phải tuân thủ theo các quy định sau đây:

“- Đảm bảo ánh sáng trong phòng trên 10 Lux tương đương 01 bóng đèn sợi đốt 40W cho 20m2;

- Đảm bảo âm thanh vang ra ngoài phòng karaoke không vượt quá quy định của Nhà nước về tiêu chuẩn mức ồn tối đa cho phép;

- Chỉ được sử dụng bài hát đã được phép phổ biến; băng, đĩa đã dán nhãn kiểm soát theo quy định;

- Không được bán rượu hoặc để cho khách uống rượu trong phòng karaoke;

- Đảm bảo các điều kiện về an ninh, trật tự quy định tại Nghị định số 72/2009/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ;

- Mỗi phòng karaoke chỉ được sử dụng một nhân viên phục vụ từ 18 tuổi trở lên; nếu nhân viên phục vụ là người làm thuê thì phải có hợp đồng lao động và được quản lý theo quy định của pháp luật về hợp đồng lao động;

- Không được hoạt động sau 12 giờ đêm đến 8 giờ sáng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 37 Quy chế này;

- Các điểm karaoke hoạt động ở vùng dân cư không tập trung không phải thực hiện quy định về âm thanh tại khoản 2 nhưng phài thực hiện quy định tại các khoản 1, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều này.”

Căn cứ theo những quy định trên thì quán karaoke cạnh nhà bạn chưa đảm bảo các quy chuẩn cần thiết, gây ồn ào cho cho các hộ gia đình kế bên. Theo đó bạn (với vai trò là người bị thiệt hại do tiếng ồn gây ra) có quyền khởi kiện đối tượng vi phạm đến tòa án nhân dân có thẩm quyền theo khoản 6 Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự về tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng và Điều 602 Bộ luật Dân sự về bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường.

Hồ sơ khởi kiện gồm có:

- Đơn khởi kiện

- Bản sao có chứng thực Hộ khẩu, CMND của người khởi kiện

- Bản sao có chứng thực Biên bản vi phạm, Quyết định xử phạt hành chính (nếu có)

- Giấy tờ, tài liệu về thiệt hại (sức khỏe, tinh thần…) của người khởi kiện.

- Các giấy tờ, tài liệu khác mà người khởi kiện thấy cần thiết để tòa án sử dụng làm căn cứ khi giải quyết vụ việc.

Đọc thêm